Năm 2008, tỉnh Hà Giang có 4.000 ha cam, diện tích trên bị giảm xuống còn 1.200 ha vào năm 2012. Nguyên nhân được đưa ra là do nhiều diện tích cam bị nhiễm bệnh vàng lá greening và một phần diện tích cam bị già cỗi, suy kiệt dinh dưỡng vì chưa được chăm sóc thường xuyên, chưa bón phân bổ sung hàng năm nên cây sinh trưởng, phát triển kém, rất ít quả, quả bé và kém chất lượng.
Mặt khác, chưa có sự đồng bộ, thống nhất từ khâu SX đến sơ chế, tiêu thụ. Mối liên kết "4 nhà" chưa thật sự gắn kết, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp nên chưa khuyến khích được người trồng cam đầu tư, phát triển.
Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho cây cam Hà Giang, năm 2011, Trung tâm KNQG đã phối hợp với TTKN Hà Giang thực hiện mô hình thâm canh cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Chương trình được thực hiện tại thôn Xuân Hà và Xuân Phú (xã Yên Hà, huyện Quang Bình) với quy mô 41 hộ.
SX cam VietGAP nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập
Sau khi chọn địa điểm, chọn hộ tham gia cam kết thực hiện mô hình, TTKN Hà Giang tiến hành tập huấn cho các hộ nắm chắc quy trình kỹ thuật thâm cam, đồng thời cấp vật tư hỗ trợ và cử cán bộ hướng dẫn. Áp dụng quy trình VietGAP, cam sinh trưởng, phát triển tốt, mẫu mã quả đẹp, năng suất tăng từ 15 - 20%, góp phần tăng thu nhập cho các hộ tham gia mô hình, đồng thời là nơi để người trồng cam trong và ngoài huyện tham quan, trao đổi kinh nghiệm…
Ông Vũ Văn Mạnh ở xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang cho biết, gia đình ông có 12 ha cam. Ban đầu, chuyển đổi từ trồng cây lâm nghiệp sang trồng cam gặp nhiều khó khăn, lúng túng, diện tích trồng manh mún, chưa tập trung. Gia đình đang loay hoay tìm cách gỡ khó cho cây cam thì được tham gia các lớp tập huấn về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP.
Được sự tư vấn tích cực của TTKN tỉnh, đến nay diện tích cam của gia đình ông Mạnh phát triển tốt, cho thu nhập cao, kinh tế ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 - 7 lao động với mức thu nhập 3 triệu đ/người/tháng. Hiện 8 ha cam đang cho thu hoạch với sản lượng trung bình 35 - 40 tấn/năm, thu nhập trên 350 triệu đ/năm…
Trước mắt, đẩy mạnh công tác phục tráng các giống cây có múi đặc sản, tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo giống mới. Cần tập trung thâm canh và quản lý tốt dịch hại, đặc biệt là bệnh vàng lá greening. Đầu tư hệ thống thiết bị sơ chế đạt tiêu chuẩn ATVSTP và đa dạng hóa các sản phẩm... |
Đánh giá về kết quả thực hiện mô hình thâm canh cam theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Phạm Uyên Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình cho biết, với diện tích trồng cam tập trung, giao thông thuận tiện, trình độ dân trí tương đối cao, mô hình được triển khai và tổ chức thực hiện theo đúng tiến độ đề ra, được bà con nông dân đồng tình ủng hộ.
Ngay sau khi được tập huấn kỹ thuật phun phân sinh học và bọc quả bằng túi xốp, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP, trình độ nhận thức của nông dân đã được nâng lên rõ rệt. Họ mạnh dạn đầu tư, chăm sóc, do vậy năng suất cam được cải thiện, màu quả sáng, vàng đều, mọng nước, hương vị đặc trưng rõ nét hơn. Các vườn cam của mô hình năm 2011 đạt 9,5 tạ/ha tăng 2,2 tạ so với năm trước, giá bán tại vườn cũng tăng lên 8.000 đ/kg (giá cam thường 6.000 đ/kg)…
Từ thành công của mô hình, Trung tâm KNQG đã phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Giải pháp phát triển cam các tỉnh phía Bắc năm 2012”. Theo đó, để cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây cam phát triển hiệu quả, bền vững, các địa phương cần quan tâm giải quyết tốt việc quy hoạch SX, quản lý chất lượng giống, tập trung thâm canh, nâng cao năng suất, tuổi thọ vườn cây.
Ngày 8/11/2012 - Theo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn