Là người đi tiên phong trong việc chuyển đổi sang trồng cây môn hương, ông Phan Công Sanh (73 tuổi) cho biết: Môn hương thích hợp với vùng đất cát tơi xốp, lại ít sâu bệnh và đặc biệt rất ưa phân bổi (thân đậu phộng phơi khô). Mỗi năm người dân có thể trồng 2 vụ, mỗi vụ kéo dài đến 6 tháng, nên môn hương xuất hiện ở vùng Tây Sơn Tây quanh năm. Ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng thôn Tây Sơn Tây cho biết thêm: “Toàn thôn có 392 hộ, 1.562 khẩu nhưng có đến gần 150 hộ chọn cây môn làm cây trồng chính. Riêng nhà tôi trồng 4 sào, năm 2 vụ, lãi hơn 20 triệu đồng…”. Hiện nay, tổng diện tích đất canh tác trên địa bàn Tây Sơn Tây hơn 100ha, có đến 20ha chuyên trồng cây môn hương. Bình quân mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng/ha.
Hiện nay, thương lái các nơi đã về Tây Sơn Tây mua môn hương tại chỗ, bà con bớt được chi phí đi lại. Ông Võ Văn Vinh (45 tuổi) kể: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, nhờ canh tác môn hương mà kinh tế khá lên. Hiện tại, tôi trồng 15 sào, mỗi năm thu lãi hơn 80 triệu đồng”.
Không riêng gia đình ông Vinh mà nhiều hộ tại vùng đất cát này thoát nghèo nhờ chuyên canh môn hương. Không chỉ trồng trên đất lúa, vào vụ hè thu, nhiều hộ tận dụng đất trồng lúa nước để trồng môn hương. Làm vụ này, bà con đỡ tốn công tưới, thu hoạch đúng thời điểm, được giá nên hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Hoàng Tâm - Chủ tịch Hội ND xã Duy Hải chia sẻ: “Địa phương luôn tạo mọi điều kiện để bà con nông dân phát triển cây môn hương theo hướng cây trồng chuyên canh ổn định. Nhờ cây trồng này mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, ổn định được cuộc sống”.
Theo: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn