Ở nông thôn, nhà nào mà chả có mấy cây ớt. Dân mình quen ăn ớt. Thiếu ớt thấy nhạt mồm. Bà con ở miền Trung ăn ớt càng nhiều. Có bữa tiệc ở Đà Nẵng, tôi không thể ăn được món gì vì đĩa thức ăn nào cũng phủ đầy ớt. Họ ăn ớt tài lắm!
Nếu bạn sang Thái Lan sẽ thấy, dân bên đó ăn ớt có khi còn nhiều hơn ta. Rất nhiều khách du lịch thích đi thăm lại Thái Lan nhưng chỉ ngại… lại phải ăn ớt!
Trên phim ảnh chúng ta thấy, dân Hàn Quốc ăn kim chi hàng ngày. Trong món đó, không thể thiếu bột ớt rắc dày đặc. Họ ăn ớt dữ lắm. Các nước xứ lạnh ăn ớt càng nhiều. Rõ ràng, ớt là loại gia vị rất phổ biến và chắc chắn được nhiều nước tiêu thụ mạnh.
Những năm qua, rất nhiều tỉnh ở cả 3 miền Trung - Nam - Bắc đã trồng ớt để xuất khẩu. Đa phần là thắng lớn. Nếu “thuận buồm, xuôi gió” thì trồng ớt thu nhập gấp 3-4 lần trồng lúa, trồng đậu hay trồng ngô. Có người còn khẳng định với tôi, nếu đầu ra thuận lợi thì ớt cho thu nhập gấp 5-10 lần là cái chắc! Chỉ có điều, hiện nay ta vẫn phụ thuộc vào thương lái của các nước. Nếu ta chủ động được đầu ra thì trồng ớt chắc chắn sẽ thắng to…
Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp phàn nàn với tôi, ớt tuy bán được giá nhưng bà con trồng còn tuỳ tiện lắm! Thích thì trồng, không thích là bỏ luôn hợp đồng. Có nơi doanh nghiệp đầu tư vốn cho dân nhưng khi thu hoạch, bà con lại bán cho chỗ khác… Vào giai đoạn này, ta nên thay đổi cách làm ăn và phải giữ được chữ “tín”.
Ớt không khó trồng nhưng đã trồng để xuất khẩu thì phải tuân thủ mọi khâu chăm sóc nghiêm ngặt. Đất trồng phải được làm kỹ và phơi ải. Ta lên luống cao để tránh úng nước. Ngoài phân chuồng hoai mục và NPK (16.16.8) khi bón lót, ta phải bón thêm vôi (1 tấn/ha).
Có nhiều giống ớt, tốt nhất là trồng giống sừng trâu vì trái to, dài, hàm lượng capsaicine (chất gây cay) cao, năng suất ổn định. Có thể dùng giống sẵn có trong nước hoặc giống của Hàn Quốc. Ta phải xử lý hạt giống 30 phút trong nước ấm 530C (tức là 3 sôi, 2 lạnh) để kích thích hạt nảy mầm. Sau đó gieo vào bầu nhỏ. Đất trong bầu phải được xử lý thuốc bảo vệ thực vật trước để tránh mầm bệnh. Khi cây được 4-5 lá thật, ta đưa cây ra ruộng trồng. Mật độ trồng tuỳ từng nơi: Có thể là 50 x (30-40)cm hoặc 70 x (50-60)cm.
Trên luống, ta nên phủ nylon rồi đục lỗ để trồng. Phủ nylon giúp ta hạn chế được cỏ dại, sâu bệnh, tiết kiệm được nước tưới và sự hao hụt của phân bón.
Trồng được 3-5 ngày, ta phải kiểm tra ngay. Chỗ nào cây chết phải giặm để đảm bảo mật độ. Ta nên làm giàn để nâng đỡ và giữ cho cây không bị đổ ngã. Toàn bộ lá và cành sát mặt đất nên tỉa bỏ để tạo độ thông thoáng. Ta phải thường xuyên theo dõi, bón bổ sung cho cây, phòng trừ sâu bệnh và giữ độ ẩm đất thích hợp…
Bà con hãy liên hệ ngay với các doanh nghiệp để kịp thời tổ chức trồng ớt xuất khẩu.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn