Cán bộ cắm bản đã đem lại niềm vui trong từng mái ấm. Ảnh VGP/Trần Mạnh |
Hiệu quả đầu tiên của việc đưa cán bộ lãnh đạo các ban, ngành cấp huyện về phụ trách thôn, xã của Trạm Tấu đã giúp các chính sách xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của Đảng, Nhà nước không còn "lửng lơ bay như làn mây trắng" mà được hiện thực hóa thành ruộng lúa, nương ngô, thành niềm vui trong từng mái ấm.
Bởi với mỗi cán bộ, một tháng dành tối thiểu 1/4 thời gian làm “phó trưởng thôn” kiêm “chuyên gia không lương” đã giúp họ nắm vững địa bàn, hiểu được dân cần gì, cơ sở cần gì, điểm mạnh, điểm yếu của cơ sở… Qua đó, không chỉ tham mưu cho huyện ban hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương sát thực tế, mà chủ trương, đường lối, kế hoạch của huyện nhanh chóng được triển khai đến từng nếp nhà.
Dễ nhận thấy trong các báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Trạm Tấu không có những hạng mục chung chung, định tính, "hô khẩu hiệu" mà tất cả các chỉ tiêu đều được lượng hóa thành những con số. Có thể không ít người lần đầu nghe thấy chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Trạm Tấu cứ thấy ngồ ngộ. Không lẽ “tầm” của cả một huyện mà chỉ tiêu phấn đấu trong 1 năm chỉ là đạt bao nhiêu hộ làm chuồng trại; trồng được bao nhiêu cây rơm để dự trữ thức ăn cho gia súc...? Nhưng ngẫm kỹ mới thấy, đằng sau những con số mộc mạc ấy là cuộc sống bình yên, là con đường thoát nghèo của hàng nghìn hộ dân, hàng vạn đồng bào.
Ví dụ, năm 2013, huyện đề ra 31 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó nêu rõ tổng sản lượng lương thực có hạt đạt được trong năm (tính theo tấn); diện tích lúa chiêm xuân, ngô lai, diện tích rừng trồng mới; số con trâu bò phát triển được; số hộ được xem truyền hình và tiếp sóng Đài tiếng nói Việt Nam; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện quốc gia…
Các chỉ tiêu của huyện lại tiếp tục được cụ thể hóa thành mục tiêu triển khai của từng thôn, xã. Năm 2013, huyện Trạm Tấu phấn đấu giảm 5,5% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương với 172 hộ. Căn cứ vào thực tế từng thôn bản, các xã đăng ký số hộ giảm nghèo. Theo đó, Hát Lừu, Túc Đán mỗi xã đăng ký giảm nghèo 20 hộ; Bản Mù 18 hộ; Trạm Tấu 17 hộ; Làng Nhì,̀ Bản Công, và Xà Hồ mỗi xã 15 hộ…
Chủ trương xóa đói, giảm nghèo được hiện thực hóa trên từng thửa ruộng. Ảnh VGP/Trần Mạnh |
Trên cơ sở đó, cán bộ huyện "ba cùng" với đồng bào và đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp hiện thực hóa các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện trên từng mảnh nương, thửa ruộng… Căn cứ vào các chỉ tiêu đề ra, cuối năm dân bản, cán bộ thôn, xã lại đánh giá nỗ lực và hiệu quả công tác của cán bộ "cắm bản". Để không bị “mất điểm”, các cán bộ được giao phụ trách thôn, bản vừa không thể lơ là công việc, vừa phải tự rèn luyện, học hỏi hoàn thiện mình.
Nhờ vậy, không chỉ chủ trương xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội được hiện thực hóa, giải pháp cán bộ "cắm bản" còn trực tiếp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu” (HCM toàn tập, tập 5, tr.273).
Thực tế cán bộ từ xã xuống thôn, bản vùng cao vừa thiếu, vừa yếu. Mà vốn dĩ thành bại là do con người. Để nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, nếu chỉ thuần túy tăng cường cán bộ từ huyện về xã thì không phải lúc nào cũng mang lại thành công như kỳ vọng bởi “một người đâu phải nhân gian”, không thể đủ “3 đầu 6 tay” để đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối. Vả lại “thần thiêng còn phải nhờ bộ hạ”, muốn dân “thấm” được “cái nghị quyết” trong khi chính cán bộ chủ chốt ở xã, thôn chưa ưng cái bụng, thì tuyên truyền chẳng khác gì "nước đổ lá khoai". Đó là chưa kể đến năng lực thực sự của cán bộ tăng cường, sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán… cũng là những rào cản không dễ dàng khắc phục.
Việc cử cán bộ "cắm bản" còn giúp cho đồng bào được gặp lãnh đạo nhiều hơn. Nếu cán bộ huyện không về với bản, có thể đồng bào ở bản xa (thuộc xã Tà Xi Láng, cách trung tâm huyện 60-70 km) cả đời cũng không được gặp “mặt ông huyện” một lần. Về bản, người dân có thể phản ánh những bức xúc trực tiếp với cán bộ huyện, những vướng mắc phát sinh trong đời sống còn bộn bề gian khó được kịp thời phát hiện, giải quyết.
Không chỉ giúp cán bộ cơ sở nắm được chủ trương chính sách của huyện nhanh hơn, triển khai kịp thời, đúng chủ trương, giải pháp cán bộ "cắm bản" còn từng bước hạn chế tư tưởng cục bộ, khép kín, trông chờ, ỷ lại của đội ngũ cán bộ cơ sở. Qua đó, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ cơ sở được chuyển biến theo hướng tiến bộ, hiệu quả làm việc của bộ máy lãnh đạo quản lý được nâng lên. Những nơi có cán bộ đến tăng cường, đội ngũ cán bộ cơ sở đã tiếp thu, học tập được những kỹ năng lãnh đạo, quản lý và phương pháp làm việc của “người mới”.
Giàng A Lồng, Chủ tịch xã Pá Hu, đã trưởng thành nhờ cán bộ cắm bản. Ảnh VGP/Trần Mạnh |
Sinh ra không còn bố, mẹ lại đau yếu quanh năm, nhưng được cái ham học, năm 1998, A Lồng tốt nghiệp cấp III, rồi tham gia công tác tại Hội Nông dân xã. Khi lấy vợ, không có tiền, anh phải ở rể 2 năm, lúc ra ở riêng, tài sản cả nhà chỉ có 2 cái nồi, không ruộng, không nương.
Được các anh, các chị ở huyện động viên, A Lồng vừa tích cực công tác xã hội, vừa theo học lớp Kỹ sư Nông nghiệp để có thêm "cái chữ". Không những thế, hai vợ chồng còn cặm cụi khai phá đất hoang; vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất. Bây giờ cơ nghiệp của A Lồng gồm gần 1 ha ruộng nước; 3 ha nương; 8 con trâu bò… Hai năm trước, A Lồng được dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã, tháng 9 này được tỉnh cử về Hà Nội để theo học Cao cấp chính trị.
Thực tế, hầu hết cán bộ chủ chốt của huyện từ Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND… cũng đều trưởng thành từ quá trình chung lưng đấu cật với cơ sở. Bây giờ giữ trọng trách mới, họ vẫn tiếp tục gắn bó với các thôn, các xã, nỗ lực xoá đói giảm nghèo cho cơ sở, đồng thời tiếp tục dìu dắt lớp cán bộ kế tiếp.
Nửa thế kỷ trước, khi trò chuyện tại Hội nghị công tác cán bộ miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ dập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội… Lãnh đạo phải có quyết tâm; phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến những nghị quyết của đảng thành lực lượng của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 611). Học theo lời Bác, với cách làm sáng tạo riêng, Trạm Tấu đang thu được trái ngọt từ công tác cán bộ "3 cùng".
Trần Mạnh
Nguồn: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn