Phát huy lợi thế của vùng bãi ngang với hàng trăm ha mặt nước, ao hồ thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, chị Lê Thị Loan ở thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu (Lộc Hà) đã mạnh dạn thuê 25 ha mặt nước đầu tư nuôi ngao, hến, tôm và cua. Mỗi năm chị Loan lãi ròng 1,5 tỷ đồng
Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm nuôi ngao từ tỉnh bạn và được tiếp cận với các lớp tập huấn kỹ thuật do các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức, năm 2011, chị Loan đã mạnh dạn thả 20 tấn giống, sau khi trừ các khoản chi phí cho lãi ròng 1,5 tỷ đồng. Năm 2012, cùng với nguồn vốn tự có 1 tỷ đồng, chị Loan được vay 600 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 26 (về hỗ trợ lãi suất tiền vay từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) để đầu tư mở rộng 4 ha nuôi thả 30 vạn tôm he và 200kg cua. Theo tính toán, lãi ròng từ các loại nuôi trên sẽ khoảng 2 tỷ đồng.
Vừa qua, được sự tiếp sức từ chương trình xây dựng NTM, chị Loan đã “tiến 1 bước” thành lập HTX dịch vụ thủy sản Loan Hoan. Hiện nay, HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, vào lúc thời vụ lên đến 20-25 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5 -3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, gia đình chị Loan còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại địa phương với số tiền hàng chục triệu đồng.
Hiện nay chị Loan đã tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương
Theo chị Loan, nuôi ngao phải nắm vững kỹ thuật, từ khâu chọn con giống đến thời điểm thả. Đặc biệt phải chọn vùng có thủy triều lên xuống. Hàng ngày cần theo dõi nhiệt độ, nguồn nước, vệ sinh bãi nuôi, nếu không ngao rất dễ dịch bệnh và chậm lớn. Sau khoảng 13 - 15 tháng nuôi có thể tiến hành thu hoạch. Thời gian thu hoạch thích hợp nhất là cuối mùa xuân hoặc đầu mùa thu.
Mặc dù khởi nghiệp nuôi nuôi trồng thủy sản từ đồng vốn ít ỏi và gặp không ít thất bại do thiếu kinh nghiệm, nhưng, bằng ý chí và quyết tâm làm giàu, chị Lê Thị Loan đã gặt hái thành công, trở thành tỷ phú nơi vùng bãi ngang.
Thanh Hoài
Báo Hà Tĩnh