Ảnh minh họa
Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Tiếp tục đột phá trong XD NTM
XD NTM đối với Hà Tĩnh ban đầu tưởng chừng như không thể làm nổi, bởi Hà Tĩnh chúng tôi là tỉnh nghèo, mọi cơ sở, vật chất hạ tầng, đời sống nông dân còn thấp nên việc XD NTM đòi hỏi phải có nguồn tài chính đầu tư ban đầu. Trong lúc đó, thu ngân sách tỉnh chỉ đạt hơn ngàn tỉ đồng, thu không đủ chi. Vì thế, Nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề ra phải tuyên truyền đến mỗi người dân XD NTM là XD cuộc sống mới cho mình.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn giao quyền tự chủ cho người dân bằng cách phân bổ nguồn vốn Trung ương, tỉnh hợp lý để họ tự bàn bạc, quyết định thực hiện tiêu chí nào trước, tiêu chí nào sau sao cho bền vững.
Đến nay, Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, trong đó 3 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chi đề ra. Năm 2013, phấn đấu 13 xã hoàn thành 19 tiêu chí như kế hoạch đã định.
Ngoài nguồn vốn Trung ương ưu tiên cho Hà Tĩnh, chúng tôi tiếp tục tiết kiệm ngân sách đầu tư 105 tỉ đồng, phân bổ cho tất cả các địa phương nằm trong diện thực hiện Chương trình XD NTM. Trong đó, ưu tiên cho những xã về đích sớm nhất. Đồng thời, khuyến khích các địa phương nhân rộng các mô hình điển hình trong SX, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp...
Ngoài ra, năm nay Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tạo bước đột phá trong XD NTM bằng cách đầu tư từ 30-50 nghìn tấn xi măng hỗ trợ 235 xã xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng phấn đấu đến 2014 toàn tỉnh hoàn tất tiêu chí giao thông, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển bền vững trong khu vực.
ANH BÌNH (ghi)
Ngư dân Bùi Thanh Ninh (thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định):Mong có khu chế biến cá ngừ
Tôi là chủ của 12 tàu cá công suất lớn chuyên hành nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Tôi làm nghề biển mấy chục năm qua nhưng chưa bao giờ thấy nghề biển ăn nên làm ra như mấy năm nay. Nhờ ngư dân tiếp cận được ngư trường mới là vùng biển Trường Sa, nơi lũ cá ngừ sọc dưa ưa sống vì đó là vùng nước lạnh nên quanh năm, chuyến biển nào cũng trúng.
Tuy chuyện làm ăn thuận lợi là vậy nhưng trong năm qua, hơn 500 chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân huyện Hoài Nhơn gặp không ít khó khăn do con lạch dẫn vào khu neo đậu tàu bị bồi lấp.
Con lạch cạn dễ gây tai nạn, ngư dân tụi tôi phải cập tàu vào Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa để bán sản phẩm, mua lương thực, nhiên liệu. Từ chuyện bán sản phẩm đến sắm tổn cho chuyến biển mới không được làm ăn với bạn hàng đã có mối quan hệ lâu đời nên tụi tôi luôn bị ép giá, bán rẻ mua đắt.
Trong năm mới, tôi mong sao cửa biển Tam Quan được khắc phục nạn bồi lấp để tàu bè không còn gặp khó khăn khi cập bờ. Và nếu trong năm mới này, tỉnh Bình Định thu hút được các nhà đầu tư về xây dựng nhà máy chế biến, thu mua sản phẩm tại địa phương thì sản phẩm cá ngừ đại dương và cá ngừ sọc dưa sẽ thoát được cảnh bị ép giá do lệ thuộc vào tư thương. Đó là niềm vui lớn của ngư dân tụi tôi.
VŨ ĐÌNH THUNG (ghi)
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc DNTN trà Hạnh Nguyệt (TX Sông Công, tỉnh Thái Nguyên): Người làm chè chưa hết khó
Trà hoa nghệ thuật mang thương hiệu Hạnh Nguyệt Thái Nguyên được biết đến từ năm 2009, đó là những bông hoa chè, loại chè ghép với các loại hoa: hồng, nhài, sen, cúc, mẫu đơn. Các mẫu sản phẩm trà nghệ thuật của DN không trùng lắp với bất kỳ một loại trà nghệ thuật nào của Trung Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản.
Trà hoa Hạnh Nguyệt hiện nay đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính với các đơn đặt hàng và xin bao tiêu sản phẩm như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ukraina, Hồng Kông…
Năm 2013 này, DN đã đề xuất và mong muốn nhận được sự quan tâm đãi ngộ của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về việc tạo vùng nguyên liệu. Bởi khi chủ động được vùng nguyên liệu thì DN mới chủ động được kỹ thuật SX cũng như chất lượng sản phẩm. Đó chính vấn đề cốt lõi để đáp ứng những yêu cầu của thị trường tiêu thụ và cũng là khát vọng thực hiện lộ trình nâng cao thương hiệu chè Thái Nguyên, chè Việt Nam trên thị trường quốc tế.
ĐỒNG THƯỞNG (ghi)
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau):Một năm đầy khó khăn của ngành thủy sản
Năm 2013 sẽ là năm đầy khó khăn và thách thức cho ngành thủy sản của Cà Mau nói riêng và của cả nước nói chung. Do đó, các DN thủy sản muốn tồn tại cần phải hội tụ nhiều yếu tố khác nhau. Trong những năm qua, ngành thủy sản của Cà Mau đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay đã có không ít DN thủy sản đã và đang đứng trước bờ vực phá sản. Do đó, mong ước lớn nhất của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nói riêng và nhiều DN thủy sản khác nói chung là có được sự ổn định làm niềm tin cho DN và các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó thì vấn đề tiền tệ, tài chính, tỉ giá cũng cần được giữ ổn định, lạm phát không tăng quá cao (khoảng 6% là vừa).
HOÀNG HẠNH (ghi)
Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT, Phó BCĐ xây dựng NTM tỉnh Long An: Mong sớm có bộ tiêu chí NTM sửa đổi
Trong hai năm qua Long An xây dựng NTM trong điều kiện khó khăn về mặt kinh phí, đa phần địa phương phải thực hiện theo dạng lồng ghép để đảm bảo đạt từng mục tiêu đề ra. Nhưng rất mừng vấn đề xây dựng NTM ở Long An được người dân đồng tình và ý thức cao. Long An có 33 xã điểm xây dựng NTM giai đoạn từ 2010-2015, trong năm mới 2013 này phấn đấu sẽ về đích 6 xã đạt các tiêu chí NTM.
Chúng tôi mong muốn trong năm mới, Bộ NN-PTNT sớm đưa ra một số tiêu chí đã sửa đổi để áp dụng cho phù hợp ở từng địa phương. Bên cạnh đó, là việc đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nhất là cánh đồng mẫu lớn.
LÊ HOÀNG VŨ (ghi)
Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang: Đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao
Chủ đề năm 2013 của Hậu Giang là tập trung tái cơ cấu ngành NN-PTNT theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững. Đồng thời củng cố bộ máy tổ chức, hoàn thành các chỉ tiêu, nâng cao đời sống nông dân theo hướng NTM. Mục tiêu mà ngành nông nghiệp Hậu Giang đặt ra là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong SX nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Năm 2013, ngành nông nghiệp Hậu Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP từ 3,5-4%, tốc độ tăng giá trị SX ngành từ 4,5-5%, tổng sản lượng lương thực đạt 1,189 triệu tấn, mía nguyên liệu 1,42 triệu tấn, đẩy mạnh phát triển rau màu, cây ăn quả đặc sản, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm.
Để hoàn thành được các chỉ tiêu trên, ngành sẽ tập trung nguồn lực để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín cho các vùng nguyên liệu chuyên canh, nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ cho nông dân về giống mới, tiến bộ KHKT.
Chúng tôi luôn kêu gọi các DN tập trung đầu tư vào nông thôn. Đặc biệt là mong ước có nhiều DN đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà Hậu Giang đang nỗ lực xây dựng.
Đ.T.CHÁNH (ghi)
Ông Hồ Xuân Hiếu, TGĐ Cty Thương mại Quảng Trị: Đầu tư vào nông thôn
Đầu tư vào lĩnh vực nông nghịệp nông thôn là chiến lược phát triển của Cty Thương mại Quảng Trị. Cty đã xây dựng NM Chế biến tinh bột sắn ở huyện Hướng Hoá. Hơn 5.000 hộ dân với khoảng 25.000 người là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở vùng Lìa, huyện miền núi Hướng Hoá được đổi đời nhờ Cty giúp trồng sắn.
Từ thành công theo mô hình đầu tư mạnh cho nông thôn và nông dân ở NM Chế biến tinh bột sắn Hướng Hoá, Cty đã tiếp tục mở rộng đầu tư NM chế biến mủ cao su ở huyện Cam Lộ, đầu tư NM chế biến nông sản như hồ tiêu, gạo huyết rồng; đầu tư trồng ném, trồng lạc trên diện tích ngàn ha, đầu tư xây dựng NM SX viên năng lượng công suất 100.000 tấn năm, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nén thành viên năng lượng phục vụ nhu cầu sưởi ấm về mùa đông thay than đá.
Tôi mong rằng năm 2013 là một năm mưa thuận gió hoà, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ổn định và phát triển cả chiều sâu, chiều rộng, sản phẩm nông nghiệp bà con nông dân làm ra bán được giá. Nông dân có giàu có thì xã hội, DN mới phát triển được.
LÂM QUANG HUY (ghi)
Ông Nguyễn Hồng Phong, TGĐ Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông: Ngành nông nghiệp tiếp tục gặt hái thành công
Năm 2012 là một năm khó khăn chung của các DN. Tập thể Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã cùng nhau đoàn kết để vượt khó, tạo dựng nhiều lợi thế cho sự phát triển. Đáng chú ý là Cty đã tạo việc làm ổn định cho gần 400 lao động với thu nhập bình quân đạt khá và thị trường được mở rộng.
Năm vừa qua chúng ta nghe nhiều đến những từ khó khăn, khủng hoảng…nhưng lại chính là năm mà nền nông nghiệp gặt hái được nhiều thành tựu to lớn: kim ngạch xuất khẩu đạt trên 27 tỉ USD, xuất khẩu gạo cao kỷ lục, lần đầu chạm mốc 8 triệu tấn. Quả đúng là trong khó khăn vẫn nhìn thấy những triển vọng để phát triển.
Năm Quý Tỵ, theo nhiều dự báo vẫn là một năm khó khăn của nền kinh tế, nhưng tôi tin rằng nông nghiệp sẽ tiếp tục gặt hái những thành công lớn hơn nữa. Và Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông với cam kết “Tiến bộ mới trong nông nghiệp” đã, đang và sẽ tiếp tục “tiến cùng nông dân Việt” – những người làm nên thành tựu đáng tự hào của nông nghiệp Việt Nam.
VĂN HÙNG (ghi)
MInh Tân (Theo nongnghiep.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn