Theo đề án, tất cả hộ nghèo và cận nghèo đang nuôi tôm trên địa bàn tỉnh với các hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh được hỗ trợ chi phí xét nghiệm bệnh tôm bằng phương pháp PCR.
Ông Phạm Công Lập, ấp Cái Ngang, xã Hoà Thành, nuôi tôm quảng canh cải tiến sau 35 ngày tuổi vẫn bị dịch bệnh.
Việc hỗ trợ 100% phí xét nghiệm bệnh tôm bằng phương pháp PCR cho tất cả hộ nghèo và cận nghèo là điều đáng mừng. Nhưng để quyền lợi trên được đến với các hộ nuôi tôm nhanh chóng thì việc triển khai những quy định của đề án cho người dân và cán bộ của địa phương là rất cần thiết. Qua đó, giúp người dân biết các thủ tục để được xét nghiệm tôm miễn phí.
Đề án quy định phải có sổ hộ nghèo, phải tuân thủ lịch thời vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành. Mẫu tôm được xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm được Sở NN&PTNT chỉ định. Với số lượng 1 mẫu/hộ, mẫu được chọn từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, phải đến phòng xét nghiệm ký nhận phiếu trả kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, đề án này vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Ông Phạm Văn Den, Phó Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân cho biết, nhiều địa phương xa khó thực hiện theo yêu cầu của đề án. Do người dân là hộ nghèo thường có đất sản xuất ít, chi phí cho lần lấy mẫu đi xét nghiệm và chờ lấy mẫu sẽ tốn kém và mất thời gian.
Tại hội nghị triển khai đề án này, nhiều đại biểu cho rằng, vào thời điểm thời vụ nuôi chính thức, ngành chức năng quy định phải xét nghiệm và thả giống nhưng những hộ nghèo và cận nghèo không có tiền mua con giống thả, không thực hiện xét nghiệm được như yêu cầu của đề án thì giải quyết ra sao.
Do đó, người nuôi tôm cần có tinh thần hợp tác cao với ngành chức năng trong việc thực hiện xét nghiệm bệnh tôm. Đây là yếu tố hàng đầu để từng bước đẩy lùi dịch bệnh, từng bước nâng cao năng suất và hiệu quả cho cả vùng nuôi.
Để đề án mang lại hiệu quả, thì ý thức cộng đồng phải được phát huy. Có thể 1 nhóm, ấp cùng lấy mẫu ở một bể, ở một trại tôm thì số mẫu xét nghiệm sẽ ít đi, giảm được chi phí. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý số hộ nghèo và cận nghèo trong quá trình xét nghiệm mẫu tôm để công tác quản lý của ngành chức năng chặt chẽ và đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhấn mạnh, mục tiêu của đề án đã rõ, cần nhanh chóng triển khai, bàn giải pháp thực hiện.
Theo đó, chi cục nuôi trồng thủy sản, thú y, khuyến ngư, đơn vị thuộc phòng kiểm nghiệm cố gắng thực hiện đúng và tích cực. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn vướng mắc cần báo ngay cho ban lãnh đạo đề án kịp thời chỉnh sửa và đề xuất cách xử lý.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn