01:11 EST Chủ nhật, 26/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Điều hành - Tác nghiệp


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019

Thứ sáu - 18/01/2019 22:48
Trang thông tin điện tử nongthonmoihatinh.vn đăng tải Báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2018 với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của toàn xã hội; đặc biệt, với tinh thần chủ động, phát huy cao vai trò chủ thể của người dân, xây dựng nông thôn mới tỉnh ta đạt kết quả toàn diện.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội cùng Lãnh đạo tỉnh tham quan vườn mẫu tại thôn Vĩnh An, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà
Đoàn công tác tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào tham quan khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Lâm Hưng, xã Nam Hương, huyện Thạch Hà
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao bằng công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Xuân.
Lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM kiểm tra vườn mẫu tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê

Là năm có số xã đạt chuẩn cao nhất kể từ khi thực hiện Chương trình, với 45 xã/trên kế hoạch đề ra là 20 xã (trong đó 24 xã đạt chuẩn trước thời hạn), nâng tổng số xã đạt chuẩn đến nay là 158 xã, chiếm 68,9% tổng số xã, về đích trước thời hạn 2 năm so với chỉ tiêu của Trung ương giao và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đến năm 2020; số tiêu chí bình quân trên xã đạt 17,7 tiêu chí (tăng 3,05 tiêu chí so năm 2017); không còn xã dưới 11 tiêu chí; Nghi Xuân đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước 2 năm, kết quả cụ thể như sau:

Nông nghiệp đạt kết quả toàn diện, tốc độ tăng trưởng đạt 5,9% (cả nước 3,76%); sản xuất được mùa, được giá, tiêu thụ khá tốt; sản lượng cam, bưởi đạt cao nhất từ trước đến nay (đạt trên 62.000 tấn, giá trị trên 2.500 tỷ đồng, tăng 35%). Chăn nuôi lợn phục hồi, điều chỉnh quy mô, cơ cấu đàn phù hợp hơn với thị trường; đàn hươu đạt trên 35.000 con (tăng 8,1%). Sản xuất thủy sản đạt cao và ổn định, tổng sản lượng 48.900 tấn (bằng thời điểm trước khi xảy ra sự cố môi trường).

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà
Mô hình trồng cam VietGap ở thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang 
 
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đạt trên 6.400 tỷ đồng, tăng 7,2% so năm 2017; có 8 sản phẩm được tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Tổ chức thành công Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần thứ hai; xây dựng website thương mại điện tử cho sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh.v.v. đã góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được phê duyệt và triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt kết quả nhất định

Kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây dựng, trong năm đã làm được 872 km đường giao thông nông thôn, 15 nhà văn hóa xã, 32 khu thể thao xã, 121 nhà văn hóa thôn, 180 khu thể thao thôn, 68 khu vui chơi, giải trí cho người già và trẻ em...
 
Lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động văn hóa, thể thao ở các khu dân cư đã trở thành phong trào thường xuyên và thu hút đông đảo người dân tham gia; công tác vệ sinh môi trường có nhiều chuyển đáng ghi nhận, nhất là tại các Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân đạt trên 85%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt 88%.

Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, tăng cường. Một số địa phương đã triển khai việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn giữ vững ổn định, quốc phòng đảm bảo.

Một góc Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Hoàng Diệu, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh
Một góc khu dân cư NTM kiểu mẫu tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên
Một góc khu dân cư NTM kiểu mẫu tại xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn
Một góc Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ
Vườn mẫu hộ ông Nguyễn Đình Thành, thôn Tây Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà

Xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, Vườn mẫu lan tỏa nhanh và ngày càng đi vào chiều sâu rõ nét, khẳng định ý nghĩa thiết thực trong việc nâng chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới bền vững. Năm 2018 đã có 112 thôn đạt chuẩn (đạt 373%KH), 1.430 Vườn đạt chuẩn (đạt 287% KH).

Xây dựng đô thị văn minh đạt kết quả cao hơn, nổi bật là: Việc mở rộng các tuyến đường giao thông, giải phóng hành lang vỉa hè, nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa, xây dựng tuyến phố văn minh; xã Đồng Lộc được công nhận trở thành thị trấn Đồng Lộc; Thành phố Hà Tĩnh đang trình Trung ương thẩm định công nhận đạt đô thị loại II. Nhiều xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã có hướng tới phát triển đô thị.


Cán bộ chiến sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh giúp xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà làm đường giao thông nông thôn 
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ kinh phí xã Thạch Lâm xây dựng nông thôn mới

Về huy động nguồn lực, trong năm đã huy động trên 17.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước 10,9%; vốn doanh nghiệp và tín dụng sản xuất 83,1%; Nhân dân đóng góp 4,4%; đỡ đầu tài trợ và huy động khác 1,6%.
Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đỡ đầu, tài trợ trên 174 tỷ đồng; nhiều đơn vị thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao, có cách làm sáng tạo, hiệu quả như: Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Tỉnh Đoàn…

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu sau:
1. Việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, có thời điểm còn thiếu tập trung, nhất là những tháng đầu năm tiến độ thực hiện còn chậm. Kết quả thực hiện ở các địa phương chưa đồng đều. Việc kiểm tra, hướng dẫn cơ sở và thực hiện đỡ đầu các xã ở một số sở ngành chưa thường xuyên, kết quả chưa cao.

2. Tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững; nhiều địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và kết nối thị trường còn nhiều hạn chế; thị trường chăn nuôi và một số loại nông sản chưa ổn định.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn quy mô còn nhỏ, lẻ; việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới, tiên tiến chưa nhiều. Hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức thị trường, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa theo kịp yêu cầu sản xuất.

3. Việc xử lý rác thải tập trung ở một số huyện còn nhiều tồn tại, khó khăn.

4. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp.

* Các bài học kinh nghiệm cơ bản được rút ra:
Thứ nhất là, Quán triệt rõ hơn quan điểm chỉ đạo: "Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc"; nâng cao mức độ đạt chuẩn tất cả các tiêu chí, "dừng lại là rớt chuẩn"; Tỉnh định hướng, kiểm tra; huyện chỉ đạo, hướng dẫn; xã chủ động trong tổ chức thực hiện, phát huy cao hơn vai trò của cộng đồng, thôn xóm, sự chủ động, sáng tạo của người dân.

Thứ hai là, Huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các cấp ngân sách, lồng ghép các Chương trình, dự án, nguồn lực xã hội hóa. Tạo điều kiện về môi trường, cơ chế, chính sách để người dân thực sự là chủ thể trong huy động nguồn lực, trong tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba là, Phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Cán bộ làm nông thôn mới trước hết phải nhiệt huyết, có tinh thần, trách nhiệm cao; phải có năng lực, sâu sát cơ sở. Thực tiễn cho thấy nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt; tổ chức đối thoại, xử lý kịp thời các khó khăn, kiến nghị, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ cơ sở, thì dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét, bứt phá, hiệu quả hơn (Điển hình như xã Thiên Lộc, sau 1 năm rút chuẩn, đã nỗ lực vươn lên, được công nhận đạt chuẩn trở lại và đã có kết quả thuyết phục về xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn xã nâng cao trong năm 2019).

Thứ tư là, Tuyên truyền phải duy trì thường xuyên, có chiều sâu, khơi dậy được lòng dân, tạo sự chủ động, tự giác cho người dân, cộng đồng; tăng cường tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương. Lấy kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá, xếp loại thi đua, lấy kết quả đầu ra làm thước đo đánh giá, ghi nhận xứng đáng đối với những cán bộ có kết quả tốt.

* NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NĂM 2019
 
Quan điểm chỉ đạo: Thực hiện toàn diện trên tất cả các tiêu chí, đi vào chiều sâu, bền vững, gắn với xây dựng đô thị văn minh, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn ở tất cả các lĩnh vực, ngành; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, tăng giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân nông thôn; phát huy cao các giá trị văn hóa; có giải pháp tốt giải quyết cơ bản vấn đề môi trường, nhất là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Huy động cao hơn và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
 
Chỉ tiêu: Phấn đấu năm 2019, có thêm ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giữ vững và nâng mức đạt chuẩn các tiêu chí, số tiêu chí bình quân trên xã đạt trên 18 tiêu chí; không còn xã dưới 12 tiêu chí; có ít nhất 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu; Thành phố Hà Tĩnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm ít nhất 75 Khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn, 900 Vườn mẫu đạt chuẩn.
Nhiệm vụ và giải pháp năm 2019
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, nhất là về các điển hình tiêu biểu, phương pháp cách làm hay. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

2. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét theo từng nhóm xã; chủ động soát xét, xây dựng Khung kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện và cân đối nguồn lực đảm bảo khả thi. Đối với các xã đã đạt chuẩn, tiếp tục giữ vững và nâng mức đạt chuẩn các tiêu chí, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Các huyện Vũ Quang, Lộc Hà, Can Lộc, Đức Thọ: Tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo để đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2019-2020.

Huyện Nghi Xuân tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh, có kế hoạch, lộ trình, giải pháp xây dựng huyện kiểu mẫu điển hình về văn hóa.

3. Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh và Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tăng cường công tác quản lý quy hoạch.

 
4. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2019-2020 (được ban hành theo Nghị quyết 123/NQ-HĐND của HĐND tỉnh); thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp theo 3 cấp độ (nhóm sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản, đặc hữu, có giá trị cá biệt cấp vùng, miền, địa phương) gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm. 

Tiếp tục thúc đẩy sản xuất, phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, chợ theo hình thức xã hội hóa; khuyến khích phát triển các loại hình siêu thị mini, cửa hàng tiện ích; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tạo sự đột phá trong thương mại điện tử, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo đúng kế hoạch, lộ trình và  đảm bảo phát huy hiệu quả của Chương trình, chính sách đã đề ra.

5. Quan tâm, đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh; phát huy và thực hiện có hiệu quả cơ chế trao quyền cho người dân và cộng đồng; giải quyết dứt điểm nợ đọng trong năm 2019 và không để nợ đọng phát sinh.

6. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng chất lượng giáo dục đại trà; các danh hiệu văn hóa, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các cấp. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân bảo vệ môi trường, khuyến khích phân loại, xử lý rác thải và nước thải ngay tại hộ gia đình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhà máy xử lý rác; tập trung cao các biện pháp, giải pháp đảm bảo nâng cao số lượng, chất lượng cung cấp nước sạch cho người dân.

7. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và tiến độ triển khai các dự án trọng điểm đô thị; thiết lập trật tự, chỉnh trang đô thị; xây dựng tuyến, khối phố văn minh; hoàn thành các tiêu chí xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn mới.

8. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Đề án đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết TW 6 khóa XII. Củng cố, kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 121 ngày 13/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các văn bản hiện hành khác của Trung ương. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội, bảo đảm ổn định chính trị cơ sở, chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến tới Đại hội các cấp vào năm 2020.

9. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung cao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chương trình nông thôn mới; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; làm tốt công tác sơ, tổng kết đánh giá đúng thực chất, rút ra được những bài học kinh nghiệm và khen thưởng, vinh danh kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình.
Phát huy những kết quả, thành quả đạt được trong năm 2018, triển khai các mặt công tác ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm, năm 2019 tiếp tục tập trung cao hơn nữa xây dựng nông thôn mới, tạo sự bứt phá mới, tin tưởng chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.  

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH
 


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 310

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 308


Hôm nayHôm nay : 25338

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1416360

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74463331