|
Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) kiểm kê gỗ lậu bị thu giữ. Ảnh: TTXVN |
Theo thống kê Cục Kiểm lâm, 10 tháng qua, cả nước đã phát hiện và xử lý 2.735 vụ phá rừng, gần 11.000 vụ mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép. Bên cạnh những cánh rừng sản xuất, rừng tự nhiên thậm chí cả rừng nguyên sinh cũng đang bị lâm tặc khai thác, tàn phá. Trong khi đó, việc phát triển, nuôi trồng rừng lại triển khai chậm so với kế hoạch đề ra nên rừng ngày một nghèo và cạn kiệt, khả năng chống chọi với thiên tai, biến đổi khí hậu giảm. Hiện nay tổng diện tích rừng tự nhiên của cả nước chỉ còn gần 10,3 triệu hécta, tổng trữ lượng gỗ là 862 triệu mét khối. Trong đó, có 4,3 triệu hécta rừng tự nhiên sản xuất với trữ lượng 350 triệu mét khối gỗ; diện tích rừng giàu, có trữ lượng gỗ cao trên 250m3/ha chỉ chiếm khoảng 5%. Rừng nghèo, rừng non phục hồi và rừng hỗn giao chiếm tới 80%. Nguyên nhân chính là do việc khai thác gỗ bừa bãi, không kiểm soát, không có kế hoạch trồng mới phục hồi nên rừng ngày một cạn kiệt. Năm 2012, sản lượng khai thác gỗ rừng tự nhiên bị mất khoảng 110.000m3/năm.
Thời gian qua hàng loạt những vụ khai thác lâm sản, gỗ quý hiếm xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó nhiều vụ được kiểm lâm tiếp tay. Trước những vi phạm tràn lan, nhức nhối nêu trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương rà soát, đánh giá về kế hoạch phát triển rừng tại từng địa phương. Nếu cần thiết đề xuất với Thủ tướng có văn bản chỉ đạo riêng, đặc biệt đối với các địa phương đạt kế hoạch trồng rừng thấp, để xảy ra nhiều vi phạm. Xuất khẩu gỗ đang là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên không thể chạy theo lợi nhuận mà đánh đổi sự an toàn về môi trường sống của người dân. Ngành lâm nghiệp cần đưa ra những giải pháp nâng cao nhanh năng suất, chất lượng và trữ lượng rừng. Phấn đấu đến năm 2015, bảo đảm độ che phủ rừng từ 42-43%. Đồng thời khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; nâng cao hiệu quả rừng tự nhiên và rừng sản xuất thông qua các phương án bảo vệ rừng bền vững. Có như vậy mới bảo đảm diện tích, chất lượng rừng và có nguyên liệu cho ngành sản xuất gỗ phát triển.
Để hạn chế những vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ngành lâm nghiệp đang tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý bảo vệ rừng cũng như các cơ sở chế biến và tiêu thụ lâm sản, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương đối với việc giám sát. Trong quản lý, sử dụng và phát triển 3 loại rừng, ngành lâm nghiệp sẽ thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với rừng đặc dụng, chủ yếu giao cho các ban quản lý rừng đặc dụng của Nhà nước quản lý và tổ chức lực lượng bảo vệ chuyên trách. Đối với rừng phòng hộ quy mô lớn sẽ do các ban quản lý rừng phòng hộ trực tiếp quản lý. Rừng phòng hộ có diện tích dưới 5.000ha sẽ giao cho cá nhân cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quản lý. Rừng sản xuất tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị canh tác trên 1ha đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó ngành lâm nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc quy hoạch, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó ưu tiên tuyển chọn giống có năng suất, giá trị cao.