Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Dự thảo sửa đổi lần này gồm 14 chương, 190 điều, chủ yếu sửa đổi các nội dung như: phạm vi điều chỉnh; quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; công chứng các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất; giải quyết tranh chấp về đất đai.
Nâng mức hạn điền, tạo điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. |
Đáng lưu ý, các quy định về giá đất; thời hạn giao đất nông nghiệp cho tổ chức, cá nhân; nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất - những vấn đề được coi là nguyên nhân của nhiều bức xúc gay gắt thời gian qua - đã được tập trung làm rõ. Trong đó, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ.
Thu hồi cả phần diện tích đất liền kề công trình kết cấu hạ tầng
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành quy định khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất liền kề công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này và hỗ trợ người có đất bị thu hồi, đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.
Có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ quy định thu hồi đất vào mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì, theo Hiến pháp 1992 thì chỉ quy định “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”.
Nguyên tắc xác định giá đất
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Khung giá đất, bảng giá đất được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, đa số ý kiến tán thành nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Về áp dụng giá đất do Nhà nước quy định, hiện có nhiều loại ý kiến trong cơ quan thẩm tra. Một số ý kiến tán thành áp dụng bảng giá đất cho tất cả các mục đích (như phương án 1 trong Tờ trình của Chính phủ) để bảo đảm công bằng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Một số ý kiến tán thành phương án 2, theo đó, không áp dụng bảng giá mà thực hiện việc định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện đối với các trường hợp như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất, quyết định giá đất cụ thể, nhưng không thấp hơn bảng giá đất.
Về giá đất bồi thường cho người có đất bị thu hồi, nhiều ý kiến tán thành việc định giá đất để bồi thường cho người sử dụng đất phải theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, có tính đến công sức đầu tư, bồi bổ của người sử dụng đất, nhưng không tính phần giá trị tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước vì phần này không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra. Ngoài giá đất bồi thường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi...
Theo nghị trình kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp toàn thể cả ngày 19-11 tới.
Phiên họp này được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
| |
Anh Phương
Theo sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn