Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành hàng mây tre đầu tư nghiên cứu ứng dụng và sử dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong việc chọn, tạo giống, bảo quản, chế biến các sản phẩm mây tre, tăng cường liên doanh, liên kết giữa nhà quản lý, khoa học, doanh nghịêp và người trồng mây, tre. Quyết định nêu rõ, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện một số hoạt động nghiên cứu, ứng dụng như điều tra trữ lượng, diện tích giống mây, tre; xây dựng bộ sưu tập giống mây, tre có giá trị kinh tế cao, thích nghi với từng vùng sinh thái; ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào các khâu bảo quản, chế biến mây, tre…
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích cụ thể này, ngành mây tre sẽ giải quyết được vấn đề nguyên liệu, một trong những khâu quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án Phát triển ngành mây tre đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với việc quy hoạch chi tiết các vùng nguyên liệu theo hướng gắn với các cơ sở chế biến sản phẩm hàng mây tre, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu sử dụng nguyên liệu để cho ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ gia đình tham gia phát triển loại sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế với điều kiện tự nhiên phù hợp cùng mạng lưới hơn 700 làng nghề mây tre đan và trên 1.000 doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất - kinh doanh mây tre đan - loại sản phẩm đang có nhu cầu lớn ở thị trường trong và ngoài nước.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, thị trường thế giới về tre, nứa có thể sẽ đạt tới 17 tỷ USD/năm vào năm 2017. Các sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh được dự báo là đồ gỗ bằng tre nứa, ván sàn và ván tấm. Thị trường mây trên thế giới cũng có tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Trong khi hiện tại, các sản phẩm mây tre của Việt Nam mới đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 200 triệu USD/năm, xuất chủ yếu sang các thị trường Nhật Bản, Nga, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Pháp, Đức….
Chuyên mục có sự hợp tác của Chương trình Xúc tiến Đầu tư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)