Bà Nguyễn Thị Đức, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), cho biết: "Chỉ riêng ở xã này đã có 1.293 hộ dân hiến gần 265.000m2 đất, tổng trị giá gần 106 tỷ đồng, để làm đường". Bà Mỹ kể, trước khi xây dựng nông thôn mới (NTM), giao thông ở nơi này phần nhiều chỉ là những lối mòn rộng 1 - 1,5m, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù, xe máy cũng khó đi. Đến nay, đã có 77 tuyến dài 72km được trải nhựa, ven đường nhiều cây xanh che bóng mát. Thành quả này có sự đóng góp rất lớn của bà con nông dân khi họ đã tự nguyện phá bỏ cây ăn trái, hoa màu để hiến đất.
|
Đường giao thông nông thôn ở xã Xuân Thới Thượng. |
Còn ở xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), đã có 984 lượt hộ dân hiến đất với trị giá hơn 36 tỷ đồng (trong đó, có 375 hộ hiến 100% đất, trị giá hơn 20 tỷ đồng). Nhờ vậy, từ chỗ đường giao thông chủ yếu cấp phối sỏi hoặc đá đen thì nay Lý Nhơn đã có đường trải nhựa khang trang. Hiện, đã có 24 tuyến đường của xã được xây dựng hoặc nâng cấp xong và đưa vào sử dụng. Theo ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, giao thông thuận lợi, đi lại thuận tiện là "cú hích" cho người nông dân nơi đây nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập do vận chuyển vật tư, sản phẩm, đi lại dễ dàng.
Ở những xã khác như Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), trong 3 năm qua đã có 1.758 hộ dân cũng đã hiến gần 37.000m2 đất, tổng trị giá hơn 167,4 tỷ đồng; xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) có 863 hộ tham gia hiến trên 12.462m2 đất, trị giá trên 73 tỷ đồng; xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) có 770 hộ dân hiến gần 13.000m2 đất, trị giá hơn 60 tỷ đồng; xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) có 1.287 hộ dân hiến gần 726.000m2 đất, trị giá gần 616 tỷ đồng. Có những hộ dân không chỉ hiến đất một lần mà đến hai lần như ông Phạm Văn Cáo (ngụ số 28/5 ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) hiến 225m2 đất, tổng trị giá gần 1,7 tỷ đồng. Ông Cáo cho biết: “Mặc dù bị ảnh hưởng về kinh tế nhưng gia đình rất vui và sẵn sàng góp đất để có con đường sạch đẹp đi lại trong xóm ấp, cho con cháu sau này đi học thuận tiện”.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM TP Hồ Chí Minh, trong 3 năm qua, 6 xã thí điểm xây dựng NTM của thành phố (gồm các xã Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Xuân Thới Thượng, Tân Nhựt, Nhơn Đức, Lý Nhơn) đã xây dựng được 911 công trình (trong đó, có 283 công trình giao thông, gồm nâng cấp và làm mới hơn 311km đường). Khi thực hiện dự án tại các xã, khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Đặc thù vùng nông thôn của thành phố là quy mô dân số cao, việc quy hoạch phức tạp hơn những vùng nông thôn thuần nông. Tuy vậy, khi được vận động, 100% hộ dân có đường đi qua nhà đều hiến đất, giúp công việc dễ hơn rất nhiều. Có 7.005 hộ hiến gần 726.000m2 đất để xây dựng công trình, dự án với tổng trị giá trên 615 tỷ đồng.
Sự đóng góp bằng cách tự nguyện hiến đất của người dân đã giảm rất lớn chi phí của ngân sách nhà nước cho việc đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời cũng nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.