Để khơi gợi được sức dân, phải kể đến vai trò của lực lượng Cựu chiến binh xã Ba Trại. Có tới 60% số hộ hiến đất là hội viên cựu chiến binh. Điển hình như: tại dự án Đường Làng nghề, gia đình ông Phùng Thanh Sơn đã hiến 200m2 đất và tháo dỡ 50m tường bao; gia đình ông Đinh Thanh Xuân hiến 250m2 đất và tháo dỡ 150m tường bao.T ại dự án đường Vân Lai, gia đình bà Bạch Minh Hằng đã hiến 260m2 đất; bà Nguyễn Thị Hoa hiến 710m2 đất; bà Lê Thị Loan hiến 500m2 đất; Phạm Văn Trình hiến 454m2 đất…
Ba Trại là xã miền núi với hơn 2.300 nhân khẩu; trong đó, chiếm tới 50% dân số là người Mường, Dao. Những ngày đầu, khi Ba Trại bắt tay vào thi công một số công trình hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới do thành phố, huyện phát động nhưng tiến độ rất ì ạch, có công trình đã phải “đắp chiếu” vì vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Trong lúc khó khăn đó, lãnh đạo xã, các đoàn thể, trong đó nòng cốt là cựu chiến binh đã vào cuộc vận động bà con hiến đất. Qua các kênh tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu, bà con đã “ ưng cái bụng” không ngần ngại phá bỏ nhà cửa, dành đất cho công trình của xã được mở rộng to đẹp, hợp với quy hoạch chung của địa phương.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Trại Nguyễn Thị Son khẳng định, bài học quý báu trong quá trình vận động người dân hiến đất là địa phương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các đoàn thể; trong đó, vai trò chủ đạo là lực lượng những người lính cụ Hồ đã rời quân ngũ . Với những câu chuyện rỉ rả, chân tình bằng chính tiếng nói của người Mường, người Dao đã khiến nhiều “lô cốt” lay chuyển, sẵn sàng hiến đất , cho dù diện tích đất đó nếu bán đi sẽ giúp bà con có lưng vốn trang trải cuộc sống .
Mặt khác, chính những cán bộ thôn, xóm đã hiến đất nhà mình theo tinh thần, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, tạo ra khí thế để bà con làm theo. Những hộ dân hiến đất được biểu dương công khai trên hệ thống loa truyền thanh của xã trong nhiều ngày. Nhờ đó, sau hai năm triển khai hàng chục tuyến đường liên thôn, liên xã, liên xóm đã được mở rộng và nâng cấp thuận lợi trong việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của người dân Ba Trại với các vùng lân cận.
Trao đổi về việc giá đất của Thủ đô đang “ nóng ” từng ngày, đất là vàng, ông Đinh Công Viễn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ba Trại cho biết, đất của nhiều gia đình ở vị trí tốt, đã có “ sổ đỏ” hoặc trồng nhiều loại cây có giá trị, xây dựng cổng, tường bao tương đối kiên cố , việc phá bỏ đi là điều không dễ dàng .Để các gia đình này hiểu và ủng hộ phong trào của xã, đều đặn hai năm nay, hội cựu chiến binh và các đoàn thể luôn bám sát từng nhà để nắm bắt tâm tư , nguyện vọng của bà con và những điểm khó khăn để có hướng tháo gỡ.
Với sự kiên trì vận động, thuyết phục sau hai năm đã có vài trăm hộ trong diện cần giải phóng mặt bằng đã tình nguyện hiến đất , tự tháo dỡ công trình của gia đình để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương mà không đòi hỏi bù đổi.
Ông Bạch Văn Dũng, xóm Đô, hồ hởi chia sẻ: Đảng và Nhà nước cho dân nhiều thứ, nào điện, đường, trường, trạm, đời sống no đủ, mình chịu thiệt một chút có sao đâu. Dù biết 100 m2 đất gia đình hiến cũng có giá trị nhưng điều đó không quan trọng bằng việc địa phương mình có được con đường bê tông hoàn chỉnh to đẹp ,mưa không lầy lội, trơn trượt như trước đây là vui rồi.
Về Ba Trại hôm nay, cạnh những con đường rộng, phẳng là đồi chè xanh mát ngút ngàn, càng làm cho bức tranh nông thôn ở đây thêm sinh động , mang sắc màu no ấm.Những thay đổi có tính bước ngoặt, được bắt nguồn từ phong trào xây dựng nông thôn mới mà trong đó có sự chung tay góp sức không nhỏ của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số qua việc hiến đất xây dựng quê hương ngày thêm no ấm./.
MạnhKhánh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn