Ông Trần Việt Hà - Trưởng BQL Dự án ISDP và HIRDP Hà Tĩnh - người vinh dự được tháp tùng Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự trong chuyến công du tới Cộng hòa Áo vào thượng tuần tháng 3 vừa rồi - có lẽ là người phấn khởi nhất, khi ý tưởng về một dự án ODA cho các xã nghèo vùng ven biển Hà Tĩnh mà ông dày công vun đắp đã thành sự thật chỉ trong hơn 2 năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn công tác Việt Nam trò chuyện với Tổng Giám đốc Quỹ OPEC về phát triển quốc tế (OFID) tại Văn phòng ở Cộng hòa Áo |
Theo ông Hà, sau thành công của các dự án CBRIP, ISDP, từ cuối năm 2009, BQL dự án ISDP - HIRDP Hà Tĩnh đã phác thảo kế hoạch về Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã vùng bãi ngang ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hà Tĩnh (ICDP). Đến tháng 4/2010, tỉnh đã mời đoàn công tác trung ương vào kiểm tra thực địa và đóng góp ý kiến; trong năm 2011, tiến hành xây dựng dự án và đã được thông qua tại lễ ký kết Hiệp định vào thượng tuần tháng 3 vừa rồi.
"Đây có lẽ là dự án ODA có thời gian vận động tài trợ ngắn nhất từ trước tới nay. Điều đó không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của BQL dự án trước tỉnh, của Hà Tĩnh trước trung ương mà còn nói lên sự cần thiết của dự án đối với người dân nghèo vùng bãi ngang ven biển Hà Tĩnh", ông Hà chia sẻ.
Vùng bãi ngang ven biển và các xã vùng phụ cận Hà Tĩnh là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, điều kiện KT-XH khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, kết cấu hạ tầng thấp kém. Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức quốc tế và nỗ lực huy động nguồn vốn của tỉnh, cơ sở hạ tầng nơi đây từng bước được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, nhất là trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang diễn ra rầm rộ như hiện nay. Bởi thế, khi dẫn đầu Đoàn công tác trung ương về kiểm tra thực địa dự án đầu tư (tháng 4/2010), ông Bùi Đình Viên - Vụ phó Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ) đã khẳng định, ICDP là sự cần thiết đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế cho Hà Tĩnh nói chung, các xã vùng bãi ngang ven biển nói riêng. Những mục tiêu, nội dung đầu tư và nguồn vốn mà tỉnh đặt ra hoàn toàn phù hợp với tiêu chí tài trợ của Quỹ OFID nên sẽ sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục kêu gọi OFID tài trợ trong tài khóa 2010 - 2012.
Đường giao thông xã Thạch Bằng (Lộc Hà) - một trong số công trình giao thông mà dự án sẽ đầu tư nâng cấp |
Với tổng vốn đầu tư hơn 14,350 triệu USD, trong đó, vốn ODA của OFID là 11,500 triệu USD, vốn đối ứng 2,850 triệu USD, dự án ICDP đặt mục tiêu cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu để ứng phó với hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu, bao gồm hệ thống thủy lợi quy mô nhỏ, hệ thống đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa cộng đồng đa năng, trạm y tế, trường tiểu học, trường mầm non và các chợ đầu mối ở 27 xã nghèo bãi ngang ven biển 5 huyện (Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) và các xã vùng phụ cận.
Đồng thời, dự án cũng nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp; cải thiện điều kiện giao thông, vận tải hàng hóa và cung cấp các dịch vụ cơ bản khác cho người dân vùng hưởng lợi, qua đó góp phần giảm nghèo trong vùng dự án.
Bắt đầu triển khai từ tháng 3 này đến hết tháng 3/2017, ICDP có khối lượng công việc lớn khi sẽ xây dựng và nâng cấp 14 tuyến kênh mương có chiều dài khoảng 30 km nhằm đảm bảo tưới cho hơn 960 ha lúa, 300 ha hoa màu và gần 100 ha NTTS; xây dựng và nâng cấp 3 trạm bơm có công suất từ 500 - 1.000 m3/h để phục vụ tưới cho 160 ha đất nông nghiệp; xây dựng và nâng cấp 39 tiểu cấu phần đường liên thôn, liên xã với tổng chiều dài khoảng 81,3 km; xây dựng và nâng cấp 10 trung tâm cộng đồng đa chức năng; xây dựng và nâng cấp 9 trạm y tế xã; xây dựng và nâng cấp 10 trường tiểu học và mầm non; xây mới 2 chợ đầu mối và sửa chữa một số chợ nông thôn...
Gắn với đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dự án sẽ tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân vùng dự án về các thảm họa thiên tai thường xảy ra trên địa bàn cũng như xu hướng của chúng dưới tác động của biến đổi khí hậu; tập huấn về giám sát xây dựng và triển khai công trình; các khóa học về vận hành, quản lý và bảo dưỡng hệ thống công trình giao thông, thủy lợi theo hướng an toàn, bền vững.
ICDP đã khởi động hành trình và sẽ lăn bánh với quãng thời gian 5 năm phía trước. Chừng đó không phải đã dài nhưng cũng đủ nếu thời tiết thuận lợi cho việc thi công xây dựng công trình, đặc biệt là sự hợp tác từ phía chính quyền cũng như sự ủng hộ nhiệt thành từ phía người dân vùng hưởng lợi trong việc GPMB.
Quỹ OFID là tổ chức tài chính đa phương, được thành lập từ năm 1976 với sự tham gia của 12 nước thành viên thuộc của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Mục đích chính của Quỹ là góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH cho các nước có thu nhập thấp. Đến cuối tháng 3/2011, Quỹ OFID đã cam kết tài trợ 13 tỷ USD cho 129 quốc gia ở Châu Phi, Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Mỹ Latinh, vùng Caribe và một số nước Châu Âu. Ngoài ra, Quỹ còn hợp tác chặt chẽ với một số tổ chức khác trong việc cung cấp các nguồn hỗ trợ phát triển. Đối với Việt Nam, Quỹ OFID bắt đầu có quan hệ hợp tác từ năm 1978, đến nay đã tài trợ 18 dự án với khoảng 180 triệu USD. Hà Tĩnh nhận được sự tài trợ 3 dự án với nguồn vốn khoảng 30 triệu USD (chiếm 1/6 tổng nguồn vốn mà Quỹ tài trợ cho Việt Nam). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn