"Thổi luồng gió mới" vào phong trào
Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” là nội dung mới nên chưa có mô hình, đòi hỏi LLVT của tỉnh phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Sau hơn một năm thực hiện, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam đã “thổi luồng gió mới" vào phong trào với những cách làm sáng tạo, phù hợp với điệu kiện kinh tế-xã hội của tỉnh và tạo nên sức lan tỏa trong toàn tỉnh. Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hà Nam chia sẻ:
- Một trong những điểm nhấn để tạo nên hiệu quả của phong trào, đó là chúng tôi đã thực hiện theo phương châm "chọn việc để làm, chọn điểm để nhấn" chứ không ôm đồm, không chạy theo thành tích, số lượng tiêu chí. Với việc thực hiện 6/19 tiêu chí, trong quá trình thực hiện phong trào, cơ quan quân sự các cấp đã chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo LLVT địa phương, mà nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV), cùng toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã được triển khai như: Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả công tác huấn luyện với tích cực tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng… Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra, nắm kết quả thực hiện tại các đơn vị trong LLVT tỉnh, kịp thời phát hiện những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng mô hình.
Đường giao thông ở xóm 2, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng đã được đầu tư theo tiêu chí của nông thôn mới. |
Một trong những cách làm sáng tạo và đã tạo được hiệu quả là thực hiện nêu gương, cán bộ trong LLVT gương mẫu làm trước. Cụ thể như khi thực hiện phong trào, Bộ CHQS tỉnh đã phát động quyên góp, ủng hộ quỹ “Xây dựng nông thôn mới”. Mỗi cán bộ, sĩ quan trong lực lượng thường trực ủng hộ một ngày lương; cán bộ, chiến sĩ DBĐV ủng hộ 20.000 đồng/người, DQTV ủng hộ 15.000 đồng/người. Như vậy, với việc gương mẫu thực hiện, LLVT toàn tỉnh đã quyên góp ủng hộ được gần 500 triệu đồng. Trong đó đã trích 100 triệu đồng để làm gần 200m đường giao thông nông thôn tại thôn Phù Đê, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Vì vậy, việc tuyên truyền để người dân nhận thức được ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng nông thôn mới hết sức quan trọng. Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, tuyên truyền thôi vẫn chưa đủ, mà LLVT cần phải bắt tay vào làm ngay, phải gương mẫu thực hiện trước. Nhiều khi cả những sĩ quan cấp đại tá, thượng tá cũng xắn quần, xắn áo xúc đất, bốc đá để làm đường giao thông cho dân; khi nhiều gia đình dân quân tự nguyện hiến đất, phá cổng, dỡ tường rào để mở rộng mặt đường, thì cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ và người dân như được tiếp thêm sức mạnh. Đây chính là cách tuyên truyền hiệu quả nhất.
- Việc làm của LLVT tỉnh đã tạo sức lan tỏa đến các cấp, các ngành, nhân dân vào cuộc sôi động hơn. Người dân đã hiểu được cái lợi của xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, có những thôn, nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng để làm thay đổi bộ mặt quê hương mình. Không những thế, phong trào còn lan tỏa đến cả những doanh nghiệp trên địa bàn, họ nhiệt tình ủng hộ phong trào bằng chính những sản phẩm của mình. Điển hình như Nhà máy Xi măng Bút Sơn đã ủng hộ hàng trăm tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn. -Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh cho biết.
Cần chung tay gỡ khó!
Thực tế tại Hà Nam, chúng tôi nhận thấy, về cơ bản bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay: Hệ thống đường giao thông được sửa sang kiên cố, sạch đẹp; kênh mương được khơi thông và phần lớn đã kiên cố hóa; trường học, trạm y tế khang trang hơn trước… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phong trào vẫn tồn tại không ít những khó khăn, bất cập.
Theo Trung tá Trương Văn Dôi, Trưởng ban Dân vận Bộ CHQS tỉnh, khó khăn nhất trong quá trình thực hiện vẫn là kinh phí. Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng điều kiện kinh tế các gia đình khác nhau. Có không ít người phàn nàn rằng đã đóng góp nhiều tiền của, công sức nhưng vẫn chưa nhìn thấy nông thôn mới đâu? Việc đổi mới đồng bộ đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi, trường học, trạm y tế… đòi hỏi kinh phí vô cùng lớn.
Đưa chúng tôi đi thăm xóm 2, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, Trung tá Phạm Thanh Tâm, Trưởng ban Tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh Hà Nam trăn trở:
- Hơn 500 hộ dân ở xóm 2 trước đây định cư tại thôn Tam Chúc được di dời về đây đã tròn 5 năm để nhường đất làm khu du lịch tâm linh. Chính quyền địa phương đã đi trước một bước trong xây dựng nông thôn mới khi quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng xóm 2. Hệ thống điện, đường, trường, trạm hiện đã khang trang kiến cố. Thế nhưng, người dân sau khi chuyển về nơi ở mới lại không có việc làm, vì đất nông nghiệp vốn đã ít, nay phải nhường lại phần lớn cho khu du lịch tâm linh Tam Chúc. Hằng ngày, người dân vẫn phải chài lưới, bắt từng con tôm, con cá nhỏ để có thêm thu nhập. Lứa thanh niên mới lớn, một số được đi học nghề, còn bộ phận không đi học thì ở nhà lêu lổng cũng sinh ra nhiều tệ nạn xã hội…
Những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam cũng đang là khó khăn chung của nhiều địa phương trong cả nước, rất cần sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.
Bài và ảnh: MINH MẠNH
Theo qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn