Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, các văn bản công bố dịch và thiên tai cần cảnh báo, dự báo của cơ quan chức năng có thẩm quyền là căn cứ xác nhận nguyên nhân gây thiệt hại để thực hiện hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức, nông dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.
Cụ thể, khi xảy ra bệnh động vật, dịch hại thực vật đủ điều kiện công bố dịch và thiên tai cần cảnh báo, dự báo thì việc công bố được thực hiện theo quy định hiện hành như sau: Dịch bệnh động vật, thực hiện công bố dịch bệnh đối với động vật trên cạn theo quy định tại Điều 26, Luật Thú y; đối với thủy sản thực hiện công bố dịch bệnh theo quy định tại Điều 34 Luật Thú y. Dịch hại thực vật, thực hiện công bố dịch theo quy định tại Điều 17 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và Điều 4, Điều 5 Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
Cảnh báo, dự báo, truyền tin đối với thiên tai, thực hiện cảnh báo, dự báo, truyền tin theo quy định tại Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.
Trường hợp chưa đủ điều kiện công bố dịch hoặc thiên tai diễn ra nhỏ lẻ
Theo dự thảo, việc xác nhận bệnh động vật, sinh vật gây hại thực vật chưa đủ điều kiện công bố dịch hoặc thiên tai diễn ra nhỏ lẻ được thực hiện như sau: Khi xảy ra thiệt hại trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm để thống nhất việc thực hiện bồi thường theo giao kết trong hợp đồng bảo hiểm. Các nội dung này phải quy định cụ thể tại gói sản phẩm bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.
Trường hợp không thống nhất nguyên nhân gây thiệt hại giữa tổ chức, sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm thì thực hiện như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thông báo cho cán bộ chuyên môn cấp xã đối với dịch bệnh động vật, sinh vật gây hại thực vật; Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã đối với thiên tai (cán bộ chuyên môn cấp xã). Cụ thể, đối với bệnh động vật, Thực hiện theo khoản 1 Điều 19 Luật Thú y; đối với sinh vật gây hại thực vật: Thực hiện theo điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; đối với thiên tai, Thực hiện theo khoản 1 Điều 31 Luật Phòng, chống thiên tai.
Xác nhận nguyên nhân gây thiệt hại: Đại diện Thôn/bản và Cán bộ chuyên môn cấp xã dựa vào triệu chứng lâm sàng đối với bệnh động vật, sinh vật gây hại thực vật và tình hình thiên tai thực tế diễn ra tại địa phương để chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây bệnh, loại hình thiên tai gây ra theo mẫu được quy định tại gói sản phẩm bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.
Trường hợp cán bộ chuyên môn cấp xã không xác định được nguyên nhân gây thiệt hại thì việc xác định nguyên nhân gây thiệt hại được thực hiện theo quy định của cơ quan chuyên ngành tại các khoản 2, khoản 3 Điều 19 Luật Thú y đối với bệnh động vật và khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đối với dịch hại thực vật.
Đến ngay hiện trường khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh
Dự thảo nêu rõ, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sinh vật gây hại thực vật gây thiệt hại cho trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp bảo hiểm phải cử đại diện đến ngay hiện trường để ghi nhận, thống nhất nguyên nguyên gây thiệt hại với tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn các biện pháp hạn chế tổn thất ngay khi nhận được thông báo. Phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong suốt quá trình xác nhận bệnh động vật, sinh vật gây hại và xác nhận thiên tai.
Đồng thời, chịu chi phí sao chụp đối với văn bản công bố dịch bệnh động vật, dịch hại thực vật và các văn bản/bản tin về cảnh báo, dự báo, truyền tin thiên tai. Chịu toàn bộ chi phí cho việc xác định nguyên nhân gây thiệt hại đối với bệnh động vật, sinh vật gây hại thực vật theo quy định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn