Nhập viện vì tự uống thuốc ho kê toa
Ngày 4/10, BV Quận 2 đã tiếp nhận một lúc 20 học sinh bị ngộ độc thuốc phải vào cấp cứu. BS. Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2 cho biết, học sinh này nhập viện lúc 10 giờ sáng sau khi uống thuốc trị ho recotus, đều là các học sinh của trường THCS Bình An đóng trên địa bàn quận. Khai thác bệnh sử cho thấy, ban đầu nữ sinh Nguyễn Hà Minh Th., lớp 8/4, bị ho nên đến hiệu thuốc M.T ngay góc ngã tư Trần Não và Lương Định Của, quận 2 để mua thuốc giảm ho về tự uống. Hiệu thuốc này đã bán 3 vỉ thuốc recotus, mỗi vỉ 10 viên nang. Ban đầu chỉ có Th. và 5 bạn khác cùng lớp uống (để “phòng” lây ho từ Th. - PV).
Theo lời kể của các học sinh, do một bạn uống xong cảm thấy “sảng khoái” nên nhiều học sinh ở lớp 8/2 và 8/4 cũng lấy mỗi người một viên cùng uống. Hậu quả là sau hơn một tiết học, 20 học sinh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, xây xẩm, nhiều em run tay chân và tim đập nhanh. Nhà trường đã phải tức tốc gọi điện tới BV Quận 2 và được các BS cấp cứu, cho nhập viện để điều trị. Sau một ngày cấp cứu tích cực, các học sinh đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Ngộ độc thuốc ở trẻ hầu hết là do lỗi bất cẩn của người lớn. |
“Hầu hết các loại thuốc đều có chỉ dẫn cảnh báo “Ðể xa tầm tay của trẻ em” nhưng hình như các bậc phụ huynh không để ý đến điều này. Nếu cứ vô tâm như vậy thì làm sao tránh khỏi việc các em bị ngộ độc được” - DS. Thành, một chủ nhà thuốc ở quận 7 cho biết. |
Trước đó, vào giữa tháng 8 vừa qua, Khoa Nội tổng hợp BV Nhi đồng 2 đã nhận 2 bé nhập viện vì ngộ độc thuốc an thần. Bé N.T.T., 40 tháng tuổi, nhập viện vì ngộ độc carbamazepine. Được biết, ở nhà ông nội em đang được điều trị bằng thuốc này, do vô tình làm rơi 1 viên carbamazepine, em T. nhặt được và cho luôn vào miệng. Bé T. được đưa đến bệnh viện với các biểu hiện: nôn ói, quấy khóc nhiều, ngồi không vững. Một bệnh nhi khác là bé P.U.N., 33 tháng tuổi, nhập viện vì ngộ độc phenobarbital. Theo lời kể của người nhà, mẹ bé đang điều trị động kinh với loại thuốc này và bé thấy có bịch thuốc để trên giường nên tự lấy uống.
Khoảng 3 giờ sau, bé ngủ li bì, người nhà lay gọi không được liền đưa đến Bệnh viện Lâm Đồng với tình trạng hôn mê sâu, sau đó được đưa đến BV Nhi đồng 2. Kết quả xét nghiệm mẫu máu và nước tiểu của bé N. đều dương tính với barbiturate. Gần thời điểm trên, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cấp cứu 2 ca. Một bệnh nhi 11 tuổi, ngụ tại Q.3, TP.HCM bị sốc phản vệ do dị ứng thuốc cefadroxil; và một bệnh nhi gái 6,5 tháng tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, ngộ độc thuốc clozapyl (clozapine) và intasprol (sodium valproate) 500mg dành cho người mắc bệnh tâm thần.
Lỗi của người lớn và... hiệu thuốc
“Hầu hết trẻ nhập viện vì lỗi bất cẩn, vô tâm của người lớn. Thuốc điều trị ở nhà không có chỗ lưu trữ cẩn thận lại để trong tầm với của trẻ. Còn hiệu thuốc nhiều nơi bán tùy tiện thuốc kê đơn và không có tư vấn sử dụng thuốc, nhất là với trẻ em”, một BS cấp cứu tại BV Nhi đồng ái ngại cho biết. Theo BS. Trần Văn Khanh, như trong trường hợp cấp cứu vừa qua tại BV, recotus là thuốc trị ho phải được chỉ định và kê toa của BS mới được dùng, bởi nó có nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, lơ mơ, gây ảo áp và suy hô hấp nếu dùng quá liều.
Còn theo bác sĩ Lê Thị Thùy Linh, Khoa Nội tổng hợp, BV Nhi đồng 2, carbamazepine là thuốc an thần được chuyển hóa ở gan sau khi uống tạo thành carbamazepine 10, 11 epoxid có thể gây độc trên hệ thần kinh. Khi dùng quá liều có biểu hiện buồn nôn, nôn, ngủ gà, rối loạn thần kinh cơ, rối loạn tim mạch... Trong khi đó, barbiturate cũng là một loại thuốc an thần có tác dụng chậm sau 3 - 6 giờ uống.
Với liều trên 30 - 40mg/kg, có thể xuất hiện các biểu hiện ngộ độc hay quá liều như buồn ngủ, lừ đừ, hôn mê, thở chậm, thở yếu dần, giảm nhiệt độ cơ thể, hạ huyết áp... BS. Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng KHTH BV Nhi đồng 2 khuyến cáo, khi thấy trẻ có triệu chứng hay nghi ngờ bị ngộ độc thuốc, các bậc phụ huynh cần cho trẻ vào ngay BV để các BS xử trí kịp thời. Để cấp cứu ngộ độc có hiệu quả, điều hết sức quan trọng là nhận biết kịp thời chất độc hoặc thuốc mà bệnh nhân đã dùng.
Trẻ em nói chung rất tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh nhưng lại không hề nhận thức được sự nguy hiểm. Để tránh những tai nạn đáng tiếc tương tự xảy ra với con em mình, theo các BS, điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải thật cẩn trọng trong việc cất trữ thuốc, cần đựng thuốc trong các lọ có nắp đậy kín, vặn chặt, tốt nhất là có tủ y tế đóng vừa tầm tay người lớn hay tủ khóa với mọi loại thuốc. Ngay cả các loại thuốc dùng cho trẻ em cũng phải thận trọng và phải có chỉ dẫn rõ ràng của BS để tránh quá liều và những phản ứng có hại không mong muốn của thuốc.
Bài, ảnh: Tuân Nguyễn
Ngày 6/10/2012 - Theo Lao Động