Viêm da, mẩn ngứa từ son môi
Ngoài các loại mỹ phẩm như phấn trang điểm, kem dưỡng ẩm, sơn móng tay… thì son môi với đa dạng kiểu dáng, màu sắc nhưng không rõ nguồn gốc cũng đang được bán tràn lan trên thị trường với giá… không phải là quá đắt. Vẫn biết rằng "tiền nào của nấy" nhưng nhiều chị em vẫn phớt lờ những độc hại của các sản phẩm này và “nhắm mắt” mua về sử dụng.
Chị Phương Linh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) có một sở thích "sưu tầm" son môi. Vì thế thường xuyên ghé qua các cửa hàng mỹ phẩm để mua hàng. Vẫn biết rằng, nhiều loại son môi của các hãng không uy tín có thể có hại cho sức khỏe nhưng vì dùng nhiều năm không thấy hậu quả gì nên chị Linh cũng không cảm thấy lo lắng quá.
Thế nhưng, mới tuần trước, chị thấy da vùng môi có biểu hiện bong tróc, mẩn ngứa, môi sưng phồng… Đến khi đi khám da liễu chị mới biết bị viêm da vùng môi do nhiễm độc chì.
Nguy cơ nhiễm độc không chỉ ở son môi không rõ nguồn gốc mà ngay cả những sản phẩm có thương hiệu cũng gây bệnh. Cách đây không lâu, ở Mỹ đã phát hiện hơn 400 sản phẩm son môi có tiếng bị nhiễm độc chì, trong đó có nhiều nhãn hiệu đang có bán tại Việt Nam. Ngoài việc gây viêm da, mẩn ngứa, chì trong son môi còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ.
Như trường hợp của chị Huyền Trang (Tây Hồ, Hà Nội) là một ví dụ cho dù chị không dám dùng hàng chợ mà chọn những loại son của các hãng nổi tiếng. Có thói quen trang điểm và dùng son môi đậm từ khi còn là con gái, nhưng chưa bao giờ chị Trang nghĩ rằng sự bất thường kinh nguyệt của mình lại là do chính thói quen đó gây nên.
Nhiều tháng nay chị hay gặp rắc rối chu kỳ kinh nguyệt, có tháng thấy 2 lần, khi thì 2 tháng không có kinh. Đi khám, bác sĩ cho biết chị rối loạn chức năng sinh sản do các độc tố hóa học mà chủ yếu là từ các loại son môi chị dùng và rất có thể đó là những loại son giả chứ không phải chính hãng. Vì thường xuyên sử dụng son môi nên khi ăn uống, một ít son môi sẽ theo thức ăn vào bên trong cơ thể.
Tô son chị em đối diện nguy cơ bệnh tim và vô sinh
Độc tố có trong son môi không chỉ gây viêm da, mẩn ngứa còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cơ tim, chức năng sinh sản phụ nữ, thậm chí gây vô sinh ở nữ giới.
Bác sĩ chuyên khoa da liễu Lê Quang Lộc cho rằng, hàm lượng chì ít hay nhiều, kể cả trong phạm vi cho phép nếu dùng lâu ngày cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Việc sử dụng son có chì tuy không có biểu hiện thấy ngay cũng không thể khẳng định nó vô hại đối với sức khỏe. Người dùng son môi lâu dài rất có thể mắc các bệnh về da như viêm da, dị ứng da…
Chứng minh thêm về tác hại của son môi đối với sức khỏe con người. Gần đây nhất, một nhóm chuyên gia ở Mỹ đã chứng minh được rằng trong những hợp chất hóa học như triclosan, cadmium, chì, mathacrylate, parabens… có trong son môi thì chất triclosan ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cơ tim và có khả năng gây vô sinh ở nữ giới.
Triclosan được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm đặc biệt là son môi. Chất này khi vào cơ thể đã làm gián đoạn dòng chảy của các ion canxi, có nhiệm vụ dẫn truyền các tín hiệu từ não đến các mô cơ. Theo đó các nhà khoa học kết luận rằng chỉ cần 20 phút phơi nhiễm với triclosan cũng làm giảm 25% chức năng hoạt động của tim.
Thường xuyên sử dụng hay tiếp xúc với triclosan sẽ là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ. Phụ nữ sử dụng son môi từ quá sớm khiến cơ thể hấp thụ triclosan trong một thời gian khá dài sẽ làm tăng đáng kể việc sản xuất hàm lượng hormone nam trong cơ thể phụ nữ dẫn đến sự rối loạn của chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.
Bằng mắt thường không thể phân biệt loại son nào có chứa chất độc hại hay không. Vì vậy, bác sĩ Lộc khuyên chị em nên hạn chế dùng son, rửa sạch môi khi xong công việc. Một việc cần thiết nữa là cần có kiến thức khi chọn son môi. Những loại son không rõ nguồn gốc hoặc được làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng là những nguồn gây bệnh chính. Ngoài ra, không nên để son tiếp xúc nhiều với thức ăn, đồ uống.
Theo TTVN
Theo giadinh.net