Bộ NNPTNT vừa công bố nhiều mẫu thực phẩm có hóa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép.
Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ NNPTNT, kiểm tra 40 mẫu thịt bò khô tại thị trường Hà Nội và TP. HCM phát hiện Hà Nội có 20 mẫu nhiễm ecoli trong giới hạn cho phép; 3/20 nhiễm sudan, trong khi Việt Nam không cho dùng Sudan để chế biến thực phẩm và chỉ dùng để nhuộm màu.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, phải chế biến kỹ măng tươi
ở nhiệt độ cao để tránh chất cyanite sản sinh tự nhiên trong loại măng này. (Ảnh minh họa: Internet)
Trong 20 mẫu tại TP.HCM không phát hiện sudan, nhưng một mẫu nhiễm salmonella. Tất cả các cơ sở sản xuất bò khô đều không đảm bảo yêu cầu về bao gói nhãn mác.
Về tác hại của sudan, Cục Thú y đang chờ Bộ Y tế xác định về ngưỡng sudan sử dụng cho phép trong thực phẩm do Bộ NNPTNT chưa có văn bản quy định sudan được sử dụng trong thực phẩm hay không.
Trong khi đó, theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad), Bộ NNPTNT, sau khi lấy 45 mẫu cá tại các chợ bán lẻ, bán buôn một số địa bàn trọng điểm, kết quả cho thấy có 14/45 mẫu có chứa hàm lượng histamine vượt ngưỡng cho phép.
Cũng theo cục này, qua kiểm tra cho thấy 55% mẫu nhiễm histamine đều xuất phát từ các chợ bán lẻ, chủ yếu trên cá thu, cá ngừ. Tại TP. HCM 12 mẫu cá thì đã có 10 mẫu nhiễm hóa chất này, ghi nhận ngộ độc thực phẩm thời gian qua là do histamine trên cá thu, cá ngừ mua ngoài chợ chiều, nấu cho công nhân ăn.
Về chất histamine, Cục trưởng Nafiqad Nguyễn Như Tiệp cho biết, đây là chất dù ở nồng độ thấp vẫn gây ngứa ngáy, dị ứng, cao hơn thì gây ngộ độc, có thể dẫn đến tử vong.
"Điều nguy hại là chất này rất bền nhiệt, nấu ko hết, tồn dư bao nhiêu nấu chín vẫn giữ nguyên. Thời gian bảo quản thực phẩm lâu, nhiệt độ tăng thì lượng histamine sinh ra lại càng lớn"- ông Tiệp cho biết.
Ngoài ra, các cơ quan còn cho hay, 1/50 mẫu măng khô chứa lưu huỳnh và sunfite hàm lượng vượt ngưỡng cho phép (500ppm). Độc tố tự nhiên cyanite trong măng tươi cũng được phát hiện với hàm lượng cao.
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng măng tươi, hoặc phải chế biến kỹ ở nhiệt độ cao để tránh chất cyanite sản sinh tự nhiên trong loại măng này.
Đối phó với tình trạng này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra các lô hàng trong nước.
Cụ thể, các Cục, Vụ nhanh chóng chọn ra những nhóm thực phẩm có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao để tập trung giám sát và công bố cho người tiêu dùng biết.
Với Cục Bảo vệ thực vật, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho hay, cục đã chỉ đạo hai trung tâm kiểm định thuốc bảo vệ thực vật rà soát lại 50 loại hóa chất có nguy cơ trên rau củ quả, địa bàn cả nước và sớm có kết quả công bố.
Được biết, hơn 50% mẫu nhiễm các vi sinh vật, 25% có độc tố tự nhiên và 25% nhiễm các hóa chất (chủ yếu trong quá trình bảo quản).
Riêng Nafiqad, cục này sẽ liên hệ với cơ quan chức năng Trung Quốc để xúc tiến thành lập tổ công tác hỗn hợp hai nước về kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của hai nước từ 4 – 11/11 tới.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cũng cho biết, rất khó kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp vì thế các cơ quan nên tập trung kiểm soát nguyên liệu đầu vào như thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và thủy sản./.
Thái Tùng
Theo toquoc.vn