Mưa bão là một trong những nguyên nhân dẫn đến các nguồn cấp điện dễ bị đứt, chập cháy, phóng điện gây tổn thương đến tính mạng của người dân. Biết cấp cứu người đúng cách khi bị điện giật có khả năng cứu được nạn nhân và không ảnh hưởng đến tính mạnh của bản thân.
Theo EVN, hàng năm Việt Nam có hàng trăm ca bị điện giật gây chết người do nhiều yếu tố. Chủ quan do người gây ra, như: Gắn nguồn điện để bẫy chuột, sử dụng nguồn điện để bắt cá … và khách quan là do thiên tai mưa bão làm các nguồn cấp điện dễ bị đứt, chập cháy phóng điện gây tổn thương đến tính mạng của người dân. Cứu nạn nhân bị điện giật đúng cách Trước khi muốn cấp cứu người bị điện giật, chúng ta nên bình tĩnh quan sát xung quanh người bị điện giật xem nguồn điện đã tách ra khỏi nạn nhân chưa. Sau đó nhanh chóng ngắt nguồn điện, hoặc dùng vật dụng khô cách điện tách nguồn điện ra khỏi nạn nhân. Tuyệt đối không được dùng tay sẽ gây nguy hiểm cho cả tính mạng của mình.
Hình ảnh mô phỏng phương pháp sơ cứu người bị điện giật. Ảnh minh họa.
Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát. Kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách, áp má vào mũi nạn nhân và xem lồng ngực, hoặc dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ xem còn đập không. Với nạn nhân không có dấu hiệu thở, cần tiến hành hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực, thực hiện bằng cách dùng 2 bàn tay chồng lên nhau đặt vào vị trí dưới 1/3 xương ức rồi nhấn mạnh sâu 5 cm đối với người lớn, với tốc độ 100 nhịp/phút. Cứ kiên trì, tiếp tục làm như vậy cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở trở lại. Khi nạn nhân có dấu hiệu tỉnh lại, cần chuyển nạn nhân sang tư thế hồi phục (nằm nghiêng sang phải, tránh đè lên tim) trong khi chờ xe cấp cứu. Những sai lầm nên tránh khi cấp cứu người bị điện giật - Không xem nguồn điện đã ngắt hay chưa: Đây là sai lầm nguy hiểm nhất. Do vội vàng cứu người, mất bình tĩnh dùng tay kéo nạn nhân khỏi nguồn điện, sẽ gây nguy hiểm do điện truyền từ nạn nhân sang. - Vội vàng đưa nạn nhân đi cấp cứu: Vì đưa nạn nhân đi ngay chúng ta đã bỏ lỡ mất việc sơ cứu ép tim để họ hồi tỉnh. Nếu đưa nạn nhân đi trong lúc chưa tỉnh trở lại dễ làm cho nạn nhân chết ngay trên đường đến bệnh viện. - Đổ nước muối vào người, hoặc chôn nạn nhân dưới đất: Đây là cách làm cũng sẽ làm mất cơ hội ép tim để bệnh nhân hồi tỉnh và cách này còn làm nạn nhân hạ nhiệt, gây ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân. - Hô hấp nhân tạo sai kỹ thuật: Nếu đặt tay sai vị trí (không phải ở 1/3 xương ức về phía dưới lồng ngực), có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân và ép không đủ độ sâu với tốc độ (5 cm đối với người lớn, với tốc độ 100 nhịp/phút), cũng không có tác dụng cứu sống nạn nhân. - Để nạn nhân nằm ngửa sau hô hấp: Sau khi sơ cứu xong, nếu để nạn nhân nằm nguyên tư thế khi sơ cứu sẽ gây chèn ép tim phổi hay hít phải dịch nôn của chính họ. Mắc sai lầm này sẽ dẫn đến hậu quả nạn nhân có thể chết trong khi chờ xe cấp cứu. Do đó phải chuyển sang tư thế nằm nghiêng về bên phải./.