Ảnh minh họa |
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), từ năm 2018-2019, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã phối hợp với các đơn vị đánh giá, thẩm định và cấp giấy chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất) cho các cơ sở sản xuất TPCN đạt yêu cầu.
Tính đến ngày 15/10/2019, đã có 94 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận GMP. Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho Báo SK&ĐS biết, 94 cơ sở có chứng nhận GMP này sản xuất hàng nghìn sản phẩm TPCN được đưa ra thị trường.
Cũng theo Cục ATTP, theo quy định, từ 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN phải có giấy chứng nhận GMP thì mới được sản xuất, vì thế, Cục đã có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra của các địa phương thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất TPCN trên địa bàn, nếu doanh nghiệp chưa có chứng nhận GMP mà vẫn sản xuất thì phải xử lý nghiêm theo Nghị định 15.
Các sản phẩm TPCN được sản xuất từ trước ngày 1/7/2019 vẫn được lưu hành, nhưng với những sản phẩm sản xuất sau ngày 1/7/2019, các tổ chức, cá nhân phải bổ sung giấy chứng nhận GMP của nhà sản xuất vào hồ sơ và thông báo về Cục ATTP trước khi nhập khẩu sản phẩm.
Về yêu cầu để đạt chứng chỉ GMP đối với sản xuất TPCN không khác gì GMP đối với cơ sở sản xuất thuốc. Đầu tiên là cơ sở vật chất, từ nhà xưởng, hệ thống thông khí đến hệ thống bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm.
Thứ hai, chủ doanh nghiệp hoặc cán bộ phụ trách sản xuất tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành.
Thứ ba, quy định về hệ thống hồ sơ sổ sách rất chặt chẽ, nhất là kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm, chứng tỏ chất lượng của sản phẩm. Các hồ sơ thể hiện quá trình nuôi trồng, thu hái, bao gói, bảo quản, lưu kho vận chuyển, lưu thông đối với nguyên liệu nhập về cho sản xuất TPCN… chứ không chỉ là hóa đơn chứng từ về nguồn gốc. Cùng với đó, hệ thống kiểm nghiệm cũng phải đạt yêu cầu.
Liên quan đến lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn để đạt GMP của các doanh nghiệp sản xuất TPCN, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khẳng định: Cục ATTP hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ để thẩm định đạt tiêu chuẩn GMP. Chúng ta có nhiều cơ sở sản xuất TPCN thì sẽ có nhiều sản phẩm tốt phục vụ người tiêu dùng, và cũng sẽ loại bỏ đi dần những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn.
Trước đó, khi chưa áp dụng quy định đạt GMP, cả nước có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất TPCN. Nhiều sản phẩm được quảng cáo thổi phồng công dụng, bán với giá trên trời, khiến người dân tưởng nhầm là thuốc chữa bệnh.
Theo BT/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn