Năm 2006, trên cương vị người lãnh đạo, ông Võ Văn Út, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân ngày ngày phải chứng kiến những nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau nên ông không khỏi xót xa. Vì thế, ngay khi biết gia đình anh Ba Chí ở xã Ninh Thạnh Lợi trồng thành công giống lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm cho năng suất khá cao, ông đã cất công tìm hiểu, nắm quy trình sản xuất và chủ trương áp dụng phương thức sản xuất lúa - tôm kết hợp trên toàn huyện. Lúc đầu, hầu hết nông dân không mấy tin tưởng vào hướng đi của ông Chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên, khi thấy cánh đồng lúa - tôm phát triển, cho giá trị thu nhập cao, bà con mới tin tưởng làm theo. Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho gạo Một bụi đỏ huyện Hồng Dân, góp phần giúp đặc sản của Bạc Liêu vươn xa trên thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, điểm hạn chế của gạo Một bụi đỏ là cứng cơm hơn so với hạt gạo khác và năng suất chưa cao. Trước thực trạng này, ông Út đã tìm đến Trường Đại học Cần Thơ gặp PGS. TS Võ Công Thành đặt vấn đề phục tráng, nâng cao chất lượng gạo Một bụi đỏ. Khi đặt ra vấn đề trên, ông Út phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì không nhận được sự đồng thuận của các ngành chức năng, chưa có kinh phí đầu tư nghiên cứu, mua giống… Tuy nhiên, ông vẫn trăn trở làm sao để giúp nông dân cải thiện cuộc sống. Cuối cùng ông Út quyết tâm thực hiện dự án phục tráng, nâng cao chất lượng gạo Một bụi đỏ. Bắt đầu từ 4kg giống Một bụi đỏ gạo hồng, ông Út đem về gieo mạ, cấy tép, nhân giống và chỉ trong năm 2010, huyện đã nhân được 16ha với 48 tấn giống. Đến nay, trên địa bàn huyện đã sản xuất đại trà trên 500ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Được biết, UBND huyện đã phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất nông sản sạch, an toàn. Từ đó diện tích lúa Một bụi đỏ gạo hồng cũng được nhân rộng. Theo PGS. TS Võ Công Thành, lúa Một bụi đỏ gạo hồng ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn mềm cơm còn có những đặc tính ưu việt như: màu đẹp, hạt chắc đều, ít vỡ khi xay xát, không tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, hàm lượng dinh dưỡng cao, hàm lượng protein cũng cao hơn một số loại gạo thông thường (8,75 %). Trong khi người nông dân có thể phấn khởi với giá trị kinh tế mà mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm mang lại thì ông Út vẫn canh cánh nỗi lo cho 5.000 ha đất còn lại chỉ sản xuất được một vụ tôm vì độ mặn quá cao (8-12%o), cây lúa Một bụi đỏ không thích ứng được. Vậy là một lần nữa ông lại cất công tìm đến Trường Đại học Cần Thơ, lần này giống lúa Sỏi có thể chịu mặn từ 10-12%o, kháng sâu bệnh tốt lại mỉm cười với ông. Ông đã ký kết và mua ngay 4kg giống lúa Sỏi. Vào mùa khô 2011, ông cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trường Đại học Cần Thơ xuống địa phương thuê đất nuôi tôm để cải tạo và gieo giống. Đến nay, toàn bộ diện tích đất canh tác của huyện Hồng Dân đều đã có thể áp dụng mô hình luân canh lúa - tôm. PGS. TS. Võ Công Thành cho biết thêm, lúa Sỏi tuy không chứa giá trị dinh dưỡng cao như lúa Một bụi đỏ gạo hồng nhưng lại có ưu điểm là chịu mặn, kháng sâu rầy, và đẻ nhiều nhánh hơn lúa Một bụi đỏ gạo hồng. Khi trồng lúa trên diện tích nuôi tôm sẽ góp phần cải tạo môi trường đất, nước và khi gốc rạ phân hủy sẽ cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng cho tôm phát triển nhanh hơn, ít bị dịch bệnh. Người nông dân vừa tiết kiệm được một phần chi phí mà năng suất lúa, tôm cũng được cải thiện. Vậy là sau bao nỗ lực của những người con nơi cánh đồng Chó Ngáp, thành quả mang đến thật mỹ mãn. Gạo Một bụi đỏ Hồng Dân đã nhận được giải thưởng Bông lúa vàng năm 2009, được công nhận là Sản phẩm Việt Nam được tin dùng nhất năm 2011 và Sản phẩm vì cộng đồng năm 2011. Ông Út còn tổ chức giới thiệu gạo Một bụi đỏ tại nhiều hội chợ thương mại nhằm quảng bá thương hiệu, tìm đối tác nước ngoài tiêu thụ lúa cho nông dân. Người nông dân ngày nào tưởng chỉ độc canh được một vụ tôm, hoặc chỉ trồng những cánh đồng năn cháy lá thì giờ đây họ vừa có lúa, vừa có tôm nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần ổn định kinh tế địa phương. Qua đây đã cho thấy hướng đi đúng đắn của lãnh đạo huyện, cũng như hiệu quả của sự kết hợp trong sản xuất giữa bốn nhà: nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học. Thái Đào - Gia Quỳnh
| ||
Theo:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn