Duy trì tập thể dục ngay cả khi mệt mỏi giúp bạn lập tức lấy lại sinh khí - Ảnh: Shutterstock
Bỏ tập thể dục khi mệt mỏi
Nếu nghĩ rằng bỏ qua việc tập thể dục khi đang mệt mỏi để tiết kiệm năng lượng thì ắt hẳn bạn đã sai lầm, bởi hành động này có thể phản tác dụng. Trong một nghiên cứu tại Đại học Georgia (Mỹ), những người lớn tuổi ít vận động nhưng sau đó đã bắt đầu tập thể dục nhẹ nhàng 3 ngày/tuần, mỗi lần ít nhất 20 phút ngay tại thời điểm cơ thể cảm thấy mệt mỏi đã lập tức lấy lại sinh khí chỉ sau 6 tuần. Tăng cường các bài tập tập trung vào sức mạnh và độ bền, giúp hệ thống tim mạch hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho oxy đến các mô dễ dàng hơn.
Không uống đủ nước
Mất nước, dù chỉ 2% so với lượng nước mà nhu cầu cơ thể cần sẽ dẫn đến mất năng lượng, Amy Goodson, chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học thể thao Ben Hogan ở Texas (Mỹ) cho biết. Mất nước làm giảm thể tích máu, khiến máu đặc hơn, từ đó làm cho việc bơm máu đến tim kém hiệu quả, giảm tốc độ cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng đến cơ bắp và các cơ quan khác trong cơ thể.
Thiếu sắt
Không cung cấp đủ sắt cũng là nguyên nhân khiến cơ thể rơi vào trạng thái chậm chạp, mệt mỏi, dễ bị kích thích và khó tập trung, Goodson nói. Bổ sung chất sắt trong chế độ ăn hằng ngày để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu. Nguồn thực phẩm dồi dào chất sắt gồm: thịt bò nạc, đậu, đậu phụ, trứng (bao gồm lòng đỏ), các loại rau màu xanh đậm, các loại hạt, bơ đậu phộng... Khi bổ sung chất sắt cần tăng cường cùng với các thực phẩm giàu vitamin C (vitamin C giúp cải thiện sự hấp thụ sắt).
Là người cầu toàn
Phấn đấu để được hoàn hảo trong tất cả mọi việc khiến chúng ta đối mặt với những áp lực và căng thẳng, tiến sĩ, giáo sư tâm thần học Irene S. Levine tại Trường đại học Y khoa New York (Mỹ) cảnh báo. Bạn đặt mục tiêu phải hoàn thành công việc một cách tốt nhất, nhưng kết quả thu được không như mong đợi sẽ tạo ra tâm lý không hài lòng và cuối cùng rất dễ rơi vào trạng thái buồn chán và mệt mỏi. Levine đề nghị mỗi người nên thiết lập một giới hạn về thời gian cho từng công việc và hướng tới tâm lý bằng lòng với những gì mình đạt được.
Suy nghĩ tiêu cực
Khi đối mặt với những thông tin không thuận lợi như: sắp mất việc, kinh tế sa sút… cố gắng đừng để tâm lý lo lắng lấn áp. Lo lắng quá mức có thể làm tinh thần xuống dốc nhanh chóng. Khi bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực, hãy hít một hơi thật sâu hoặc ra ngoài thư giãn hay ngồi thiền, tập thể dục hoặc chia sẻ mối bận tâm với bạn bè để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.
Bỏ qua bữa ăn sáng
Các thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày là nhiên liệu giúp cơ thể hoạt động hiệu quả, và ngay cả khi ngủ, cơ thể vẫn tiếp tục sử dụng những thực phẩm đã thu nạp trong bữa ăn tối hôm trước để bơm máu và vận hành oxy. Vì vậy, khi thức dậy vào buổi sáng, rất cần thiết phải tiếp thêm nhiên liệu cho cơ thể. Bỏ ăn sáng, bạn sẽ cảm thấy chậm chạp.
Ăn thực phẩm không lành mạnh
Các loại thực phẩm chứa đường và carbs đơn giản xếp hạng cao về chỉ số đường huyết (GI). Nếu thường xuyên ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao sẽ làm tăng nguy cơ béo phì và dễ dẫn đến chứng rối loạn chuyển hóa. Đường trong máu tăng liên tục, sau đó giảm mạnh sẽ khiến cơ thể uể oải suốt cả ngày. Giữ lượng đường trong máu ổn định bằng cách ăn protein nạc cùng với ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau củ, trái cây, cá hồi, khoai lang.
Bàn làm việc luộm thuộm
Một cái bàn làm việc bầy hầy cùng với những đống giấy tờ, hồ sơ lộn xộn khiến tinh thần cạn kiệt và hạn chế khả năng tập trung cũng như khả năng xử lý thông tin của não bộ, theo một nghiên cứu từ Trường đại học Princeton (Mỹ). Vào cuối buổi làm việc trong ngày, tranh thủ sắp xếp bàn làm việc ngăn nắp, gọn gàng sẽ giúp bạn có một khởi đầu tích cực cho ngày hôm sau.
Làm việc cả trong kỳ nghỉ
Kiểm tra email khi đang cần được thư giãn bên hồ bơi hay rạp chiếu phim cũng đặt bạn vào nguy cơ kiệt sức. Hãy cho phép bản thân thực sự thư giãn cả tâm trí lẫn thể chất để lấy lại sự tươi tỉnh và trẻ hóa. Theo các chuyên gia, khi thực sự nghỉ ngơi, chúng ta sẽ có nhiều sáng tạo và sau đó công việc sẽ trở nên hiệu quả khi chúng ta quay trở lại.
Uống rượu trước khi đi ngủ
Không ít người cho rằng nhấm nháp vài ly rượu trước khi ngủ giúp cơ thể thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn, nhưng thật ra liệu pháp này lại phản tác dụng. Rượu làm suy yếu hệ thống thần kinh trung ương, tạo ra tác dụng an thần, nhưng cuối cùng lại phá hỏng giấc ngủ, tiến sĩ Allen Towfigh, giám đốc Khoa Thần kinh và Giấc ngủ ở New York cho biết. Rượu gây ra tác dụng phản ứng khi nó được chuyển hóa, điều này vốn tạo ra sự thay đổi đột ngột trong hệ adrenaline. Đó là lý do tại sao bạn dễ bị tỉnh giấc vào lúc nửa đêm sau khi uống rượu. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị bạn ngừng uống tất cả các loại rượu 3-4 giờ trước khi đi ngủ.
Kiểm tra email trước khi đi ngủ
Ánh sáng chói từ máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc màn hình máy tính có thể khiến bạn chệch ra khỏi nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể vì nó ức chế melatonin - một hormone giúp điều tiết chu kỳ ngủ - thức, tiến sĩ Towfigh cho biết. Sự nhạy cảm với ánh sáng kỹ thuật số của các thiết bị công nghệ cao có thể khác nhau giữa người này và người khác nhưng nhìn chung, tốt nhất nên tránh xa chúng trong vòng 1-2 giờ trước khi đi ngủ.
Phụ thuộc vào cà phê cả ngày
Bắt đầu buổi sáng với 1 ly cà phê không có gì nghiêm trọng, nhưng sử dụng caffeine không đúng cách có thể phá vỡ chu kỳ ngủ - thức. Theo một nghiên cứu được công bố trên tờ Journal of Clinical Sleep Medicine, sử dụng caffeine cách giờ đi ngủ thậm chí tới 6 tiếng cũng vẫn ảnh hưởng tới giấc ngủ, do vậy bạn không nên uống cà phê sau nửa buổi chiều.
Thức khuya vào cuối tuần
Bạn thức đến nửa đêm vào thứ bảy sau đó ngủ hết sáng chủ nhật, sẽ dẫn tới khó ngủ vào tối chủ nhật và mệt mỏi vì thiếu ngủ vào sáng thứ hai. Cuộc sống bận rộn, có thể khó tránh được việc thức khuya, nhưng hãy cố gắng thức dậy sớm và có giấc ngủ ngắn vào buổi trưa. Ngủ trưa khoảng 20 phút giúp cơ thể sảng khoái và nhanh chóng lấy lại năng lượng.
Theo TNO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn