Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh.
Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi
Có con nhỏ 9 tháng tuổi, mấy hôm nay, chị Nguyễn Hà Vi (phường Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng) nấn ná cho con tiêm mũi sởi đơn theo lịch tiêm chủng. Lý do là chị đợi con đủ 12 tháng sẽ tiêm mũi vaccine dịch vụ “3 trong 1” phòng sởi - quai bị - rubella. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, phụ huynh không nên chờ trẻ đủ 12 tháng mới tiêm mũi kết hợp, mà cần tiêm sởi đơn khi trẻ đủ 9 tháng. Thực tế mùa dịch năm 2014 cho thấy, rất nhiều trẻ bị mắc sởi trước khi đợi tiêm mũi vaccine “3 trong 1”. Trong năm 2015, toàn TP có 39 ca mắc, phân bố tại 19 quận, huyện, trẻ nhỏ nhất 3 tháng tuổi, trường hợp lớn nhất 32 tuổi, 74% ca bệnh không tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ.
Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại Trạm Y tế xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Khôi Nguyên
Cũng theo ông Cảm, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, phổ biến ở trẻ em. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa Đông – Xuân và lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, nhất là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi.
Vaccine sởi an toàn
Thời gian qua, do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm nên một số cha mẹ không đưa con đi tiêm vaccine phòng bệnh, bao gồm cả vaccine sởi, điều đó làm gia tăng nguy cơ mắc sởi cho trẻ. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, vaccine sởi được đánh giá là an toàn, các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng từ một, hai ngày sau tiêm mà không cần điều trị gì.
Nhấn mạnh về vai trò của vaccine, ông Phu khẳng định: Tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất và khi tiêm cho miễn dịch bền vững, lâu dài. Tiêm mũi 1 đối với trẻ 9 tháng tuổi thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Khi tiêm mũi 2 lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95 - 99%. Tiêm mũi 2 không chỉ củng cố miễn dịch của người được tiêm mà còn giúp nâng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khuyến cáo, nếu không may trẻ bị bệnh sởi nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước hoa quả. Trẻ bị sởi cần phải được bù nước bằng cách uống nhiều nước, tuy nhiên không nên cho trẻ uống các loại nước kích thích, có ga.
Bên cạnh đó, đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ là một trong những việc hết sức cần thiết phải làm để đề phòng bệnh sởi. Trẻ cần được nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối 0,9% và thường xuyên rửa mặt, vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày. Nếu thời tiết lạnh, nên dùng nước ấm để tránh trường hợp trẻ bị cảm lạnh, sức đề kháng giảm làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Tiêm chủng 2 mũi cho trẻ độ tuổi tiêm chủng, mũi đầu lúc 9 tháng tuổi. - Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân: Sử dụng khẩu trang N95 cho người bệnh, người chăm sóc, nhân viên y tế; Thời gian cách ly từ lúc nghi ngờ sởi đến ít nhất sau khi phát ban 4 ngày. - Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn