Người già và trẻ em dễ mắc bệnh
Ông Nguyễn Đức Cảnh (82 tuổi, ở thị trấn Thạch Hà) vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong tình trạng mệt mỏi, mất nước. Sau khi thăm khám, xác định nguyên nhân mất nước do nắng nóng nên các bác sỹ đã chỉ định truyền nước. Điều trị tại khoa Tim mạch và Lão học 4 ngày, bệnh nhân ổn định và được ra viện.
Bác sỹ Khoa Tim mạch và Lão học - BVĐK tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân do tác động của nắng nóng |
Bác sỹ Phạm Hữu Đà - Phó trưởng Khoa Tim mạch và Lão học cho biết: Thiếu nước là một hiện tượng thường gặp trong mùa nắng nóng, nhất là đối với người già. Do lão hóa nên người già thường mất đi cảm giác khát, không chủ động uống nước theo nhu cầu của cơ thể. Nguyên nhân đơn giản nhưng nếu không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến các nguy cơ suy thận, trụy tim mạch và tử vong. Bởi vậy, theo khuyến cáo, người già nên uống nước theo đo lường (thường 1,5 lít/ngày) thay vì uống theo cảm giác.
Không chỉ thiếu nước, trong những ngày nắng nóng này, nhiều nhóm bệnh nhân khác cũng phải nhập viện do tác động của thời tiết. Chị Nguyễn Thị Thuần (xóm 8, Thạch Điền, Thạch Hà) có con đang điều trị tại khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết: “Cháu bị viêm phổi, thời tiết lạnh quá hay nóng quá là bệnh lại tái phát. Đợt này cũng vậy”…
Theo nắm bắt của chúng tôi, tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, những ngày này, các nhóm bệnh liên quan đến nắng nóng có xu hướng tăng cao. Bác sỹ Phan Văn Hùng - Trưởng khoa Khám bệnh, BVĐK Hương Khê cho biết: “Nắng nóng, tỷ lệ bệnh nhân say nắng, sốt cao, co giật, kiệt sức… tăng cao, trong đó, chủ yếu là người già và trẻ em”.
Theo các bác sỹ, mùa nắng nóng, các bệnh thường gặp là sốc nhiệt (thường là hậu quả của việc tập luyện hay làm việc nặng trong môi trường nóng, đi kèm với việc không uống đủ nước), bệnh về đường hô hấp trên như: viêm tai, họng, mũi… Những bệnh này thường liên quan mật thiết đến khâu vệ sinh cá nhân như không đánh răng, súc miệng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.
Ngoài ra, mùa nắng nóng cũng dễ mắc các bệnh về đường ruột do uống các loại nước giải khát, ăn kem không hợp vệ sinh, uống nước chưa đun sôi, ăn rau sống, thực phẩm chưa nấu chín (nem chua, nem chạo, tiết canh...).
Nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho một số côn trùng phát triển như ruồi, nhặng, gián, muỗi…, là nguồn truyền bệnh đối với con người. Cũng do nắng nóng nên một số gia đình ngại nằm màn, vì vậy, có thể mắc một số bệnh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản hoặc ở vùng sốt rét lưu hành có thể mắc bệnh sốt rét bởi muỗi truyền bệnh. Mùa nắng nóng, một số bệnh như viêm màng não do vi khuẩn; các bệnh về da như hắc lào, nấm kẽ (do nấm), ghẻ lở, chốc đầu do liên cầu khuẩn hoặc tụ cầu khuẩn... có cơ hội bùng phát. Một số trẻ bụ bẫm, nếu vệ sinh da không sạch có thể mắc bệnh hăm tã do vi khuẩn C.minusium…
Tỷ lệ bệnh nhân bị các bệnh về hô hấp nhập viện tăng cao (trong ảnh bác sỹ Khoa cấp cứu chống độc BVĐK tỉnh cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp) |
Phòng bệnh
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để phòng bệnh mùa nắng nóng, cần thực hiện tốt khâu vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với những người có nguy cơ say nắng, sốc nhiệt, cần đề phòng bằng cách không ra ngoài trời lúc nắng nóng, nhiệt độ cao;
Không tắm biển hoặc sông suối vào lúc còn nắng gắt; cần có bảo hộ lao động tốt ở môi trường làm việc trong các hầm lò, nhà máy, công xưởng...; nên chuẩn bị sẵn nước uống có pha thêm một ít muối ăn, tăng cường bổ dưỡng bằng các loại rau, quả tươi. Khi ra ngoài trời nắng, cần đội mũ rộng vành, không ngồi lâu một tư thế khi có tia nắng mặt trời chiếu thẳng vào gáy.
Để phòng các bệnh đường ruột, truyền nhiễm mùa hè, cần ăn uống đủ chất, đảm bảo vệ sinh. Đối với trẻ nhỏ, cần tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ hằng ngày; tiêm phòng vắc-xin đúng lịch vì đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Những triệu chứng nhận biết bệnh nhân bị sốc nhiệt: Nhịp tim nhanh; thở nhanh và nông; tăng hoặc hạ huyết áp; ngừng ra mồ hôi; cáu gắt, lú lẫn hoặc mất ý thức; cảm thấy hoa mắt, choáng váng; đau đầu; nôn; ngất - đây thường là triệu chứng khởi đầu ở người lớn tuổi. Cách sơ cứu ban đầu: Đưa người bệnh vào nơi râm mát hoặc nơi có điều hòa nhiệt độ; gọi cấp cứu; làm mát cơ thể bệnh nhân bằng cách phủ khăn mát hay vẩy nước mát lên người; bật quạt thổi trực tiếp vào người bệnh; cho uống nước mát hoặc các loại đồ uống không có cồn và cafein khác; tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) nếu người bệnh mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động. |
Thục Chi
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn