Vườn chanh vàng nhà anh Nguyễn Hữu Hà, ở xã Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên được biết đến với giống Chanh Vàng Phú Quý an toàn, bổ dưỡng và mang nhiều đặc điểm ưu việt hơn so với các loại chanh thông thường khác.
Chanh Vàng Phú Quý sai trĩu quả - Ảnh: Người tiêu dùng
Chia sẻ với báo Người tiêu dùng, chủ vườn Nguyễn Hữu Hà cho biết giống chanh này hoàn toàn không sử dụng hóa chất mà được áp dụng phương pháp thuần Việt bón cho cây toàn bộ bằng bột đỗ tương nghiền ra trộn với nấm vi sinh Trichoderma.
Với phương pháp này, chanh không chỉ đảm bảo an toàn mà còn kéo dài tuổi thọ với 4 giai đoạn phát triển: mầm, hoa, quả xanh và quả chín cho thu hoạch quanh năm đem lại thu nhập ổn định.
Giống chanh vàng được nhận định là ngon hơn so với chanh thường, cây phù hợp với nhiều loại đất, dễ trồng, kháng bệnh cao, vốn đầu tư thấp. Bình quân giá bán ra ngoài thị trường là 35000 đồng/kg, cao gấp rưỡi giá chanh thông thường, anh Hà cho biết thêm.
Ngoài việc được sử dụng làm gia vị cho các bữa ăn trong gia đình, giống chanh này còn được dùng để thờ vì có mẫu mã đẹp, khi chín quả vàng ươm, mọng nước.
Phân bón là bột đỗ tương xay trộn với nấm vi sinh - Ảnh: Người tiêu dùng
Được biết, Chanh vàng Phú Quý là giống Chanh của Úc, tuy mới được du nhập vào Việt Nam trong thời gian rất ngắn nhưng đã được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và tin dùng vì đây là giống chanh ngon hơn so với chanh thường, quả có giá trị dinh dưỡng cao, có vị chua dịu, có mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt vỏ chanh không đắng khi cho vào nước nóng nên được sử dụng để pha trà hay ăn phở, ăn bún vắt chanh vào lúc nước đang nóng... ngoài ra còn làm bánh, chế biến các món kem tươi, làm siro, chế biến các món ăn tây, làm kem đắp mặt ... Quả chanh ở nhiệt độ thường có thể để từ 25 đến 30 ngày không bị thối và nếu bảo quản trong tủ lạnh có thể để được đến 3 tháng.
Trước đó, Thanh niên cho biết, trước khi gây dựng trang trại trồng chanh, anh Hà là “dân” lao động xuất khẩu có hơn 5 năm làm việc ở Nga với nghề buôn rau, nông sản sạch, bán cho các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp , xưởng may của người Việt. Công việc này giúp anh Hà có cơ hội lân la khắp các nông trại người Nga và tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất nông sản sạch.
Trong số nhiều nông sản từng thấy ở khắp các nông trại nơi xứ người, cây chanh luôn gần gũi và gợi nhớ về quê nhà đã thôi thúc anh Hà tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trồng chanh.
Sau khi quyết định dừng công việc buôn bán nông sản Nga trở về quê nhà để trồng chanh đến nay nghề trồng chanh đã giúp anh Hà có nguồn thu tiền tỷ mỗi năm.
Theo vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn