Tơ hồng có 2 loại là tơ hồng vàng (Cuscuta sinesis Lamk, họ Convolvulaceae) và tơ hồng xanh (Cassytha filiformis L, họ Lauraceae). Dưới đây xin chỉ nói loại tơ hồng xanh.
Tơ hồng xanh còn gọi là "vô gia đằng", "thanh ti đằng", "quá thiên đằng", "vô căn thảo", "phi dương đằng", "vô địa sinh căn", "vô đầu đằng"..., tên khoa học là Cassytha filiformis L., thuộc họ Long não Lauraceae. Có thân to hơn loại vàng, thường dính sát vào cây chủ, leo mọc ký sinh ở các lùm cây hay bờ rào.
Theo Ðông y, tơ hồng xanh có vị ngọt đắng, tính hàn; vào các kinh can và thận. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết giải độc. Dùng chữa người gầy rộc do can nhiệt (can nhiệt tiêu sấu), ho do nóng phổi (phế nhiệt khái thấu), hoàng đản, mũi chảy máu, tiểu tiện ra máu, ung thũng, lở loét...
Dưới đây là một số cách trị bệnh từ cây tơ hồng xanh
* Viêm thận, sỏi bàng quang: Tơ hồng xanh 30 – 60g, mộc thông 20g sắc uống (trồng hái và sử dụng cây thuốc).
* Chữa trẻ suy dinh dưỡng, lòng bàn chân bàn tay nóng, tinh thần uể oải: Tơ hồng xanh 60g, đổ ngập nước sắc lấy còn nửa bát, chia thành 2 phần uống trong ngày (theo sách "Phúc Kiến dân gian thảo dược").
* Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu lẫn máu (huyết lâm): Tơ hồng xanh 15 – 30g, sắc với nước, thêm đường đen vào uống trong ngày (theo sách "Tuyền Châu bản thảo").
* Chữa mộng tinh, di tinh, xuất tinh sớm (tảo tiết): Tơ hồng xanh 60g, xương sống lợn đực 150, thêm 100ml rượu tốt vào ninh chín ăn (theo sách "Phúc Kiến dân gian thảo dược").
* Chữa âm nang sưng to: Tơ hồng xanh 20 – 30g, trứng vịt vỏ xanh, luộc chín, bóc trứng ăn và uống nước thuốc (theo sách "Mân Nam dân gian thảo dược")
* Bị ghẻ, chàm, mụn nhọt lở loét: Dùng tơ hồng xanh nấu nước rửa (theo sách "Quảng Tây trung thảo dược").
Nguồn: Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn