14:46 EST Thứ hai, 23/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm » Sức khỏe - Giới tính


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Toạ đàm “Sức mạnh của sự đồng thuận”: Phải chấp nhận những khác biệt

Thứ hai - 03/09/2012 06:28
Trong bài viết nhân Quốc khánh năm nay, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang khi đề cập đến những thử thách mà đất nước đang đối mặt, đã nhấn mạnh: “Việt Nam đã chứng tỏ không chỉ một lần về khả năng có thể vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể, chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua mọi thử thách để thực hiện những mục tiêu lớn lao. Để làm được như vậy, đoàn kết, đồng thuận là một yêu cầu không thể thiếu”.
Từ bao đời, người dân Việt đã thấm thía giá trị của sự đồng thuận trong cuộc mưu sinh. Ảnh: Thanh Hảo

Từ bao đời, người dân Việt đã thấm thía giá trị của sự đồng thuận trong cuộc mưu sinh. Ảnh: Thanh Hảo

Để hiểu thêm những điều Chủ tịch Nước đề cập qua bài viết, báo Sài Gòn Tiếp Thị đã tổ chức buổi toạ đàm “Sức mạnh của sự đồng thuận”, với sự tham dự của nhiều giới: doanh nhân, nhà nghiên cứu giáo dục, văn nghệ sĩ…

Đồng thuận bằng trái tim chứ không bằng cách giơ tay

Nhà thơ Trần Tiến Dũng mở đầu toạ đàm bằng những lo âu: “Nghĩ về con người Việt Nam tương lai, tôi thấy rõ bi kịch về sự sụp đổ thần tượng. Các bạn ấy không còn một điểm tựa nào cả. Có thần tượng trẻ xuất hiện một thời gian ngắn là sụp đổ, dẫn đến không có điểm tựa để sống. Muốn có sự đồng thuận trong việc tạo dựng những gương mặt thần tượng, phải có những con người tử tế, để lớp trẻ học hỏi từ họ những kinh nghiệm sống. Thần tượng không thể chỉ màu hồng, chung chung, phải có dấu ấn đời sống, có chi tiết riêng, để gần với tuổi trẻ hơn. Chuyện đời tư, chuyện đóng góp cho cái chung, chuyện sai lầm của mỗi người cũng cần được nhìn nhận rõ ràng. Nếu không có đời sống, sẽ chỉ là giả dối. Đừng nhầm lẫn, đánh đồng giữa cái chung và cái riêng. Mặt khác, muốn có đồng thuận, phải thừa nhận sự phá sản, sự suy thoái của những giá trị cũ, xây dựng những cái thật, cái mới, không đánh bóng. Tìm kiếm sự đồng thuận là hướng về tương lai. Giá trị phải mới, luôn cập nhật. Nếu chỉ chà đi xát lại những cái để câu khách, những cái cũ thì chẳng có giá trị gì”.

Ông Nguyễn Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt, chia sẻ từ kinh nghiệm của sự đồng thuận trong phát triển doanh nghiệp: “Dù là trong một công ty hay một đất nước, sự đồng thuận rất quan trọng. Nếu tổ chức đó không hạnh phúc, rất khó đồng thuận. Đường đi đúng nhất là phải tạo hạnh phúc cho môi trường đang sống. Đồng thuận phải được coi như kim chỉ nam trong quan điểm của người quản trị, đi từ văn hoá của người đứng đầu có dám chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận sự phản biện không? Hơn ai hết, tôi hiểu, muốn phát triển, ngày càng phải lấy ý kiến công nhân viên nhiều hơn. Khi doanh nghiệp đã lớn mạnh đến một tầm mức nào đó, tôi càng cảm thấy rõ bản thân không làm được tất cả nếu không có người khác. Có hai dạng người quản trị: một dạng vui vẻ, hài hoà, biết lắng nghe; một dạng nghiêm khắc, làm cho người ta sợ. Tôi chọn thái độ hài hoà với mọi người, biết lắng nghe, để nhận được nguồn thông tin thứ hai, từ dưới lên. Kiểu làm cho người ta sợ chỉ có được thông tin một chiều, từ trên xuống, và sẽ chỉ nhận được sự đồng thuận bằng giơ tay, không đồng thuận bằng trái tim”.

Đồng thuận trong những giá trị phổ quát

 

"Muốn có đồng thuận, phải thừa nhận sự phá sản, sự suy thoái của những giá trị cũ, xây dựng những cái thật, cái mới, không đánh bóng. Tìm kiếm sự đồng thuận là hướng về tương lai. Giá trị phải mới, luôn cập nhật. Nếu chỉ chà đi xát lại những cái để câu khách, những cái cũ thì chẳng có giá trị gì".

Nhà nghiên cứu giáo dục Giản Tư Trung cho rằng ở Việt Nam, muốn đồng thuận phải có hai yếu tố: thứ nhất là có mục tiêu chung, mục tiêu ấy được mọi người hiểu, chia sẻ, nhất trí; thứ hai là phải có những giá trị chung về phẩm hạnh, nhân cách, dân tộc tính của người Việt. Cần có những cuộc thảo luận phê phán thói xấu của người Việt, hướng dân tộc đến những phẩm tính không nằm ngoài giá trị phổ quát của nhân loại, nhưng có đặc điểm riêng. Vai trò lớn nhất của người lãnh đạo là khả năng dẫn dắt, muốn thế, phải có tầm vóc và chiều sâu văn hoá. Nền quản trị xã hội, gia đình, quốc gia phải dựa trên nền quản trị tiến bộ. Xây dựng những phẩm tính có giá trị phổ quát, biểu hiện rõ nét nhất, đã được văn bản hoá, đó là tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc. Mấy trăm quốc gia đặt bút ký vào đó rồi, đó là một phần những giá trị mà loài người chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Trọng Hạnh – nguyên phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM đề cập đến một thực tế đau lòng: “Đập vào mắt mình ở tất cả các lĩnh vực, phải chăng đã đi tới chỗ hình thành sự giả dối có hệ thống. Những thoả hiệp, nhất trí hình thức có thể đã được sử dụng trong một thời điểm nào đó của lịch sử, nhưng khi trở thành một lối sống, một đại dịch, làm sao tạo được sự đồng thuận thật? Khi tôi đi dạy ở một trường, có học trò hỏi tôi: Tại sao có xã hội mà xe cán đi cán lại một em nhỏ trong khi nhiều người chỉ đứng nhìn thờ ơ? Tại sao nhiều người nghèo thế mà chính quyền không có động thái gì? Phải chăng chúng ta đã quen đến mức thấy bình thường với một xã hội giả dối, vô cảm. Làm thế nào để xác định mục tiêu chung hướng đến phụng sự đất nước, phụng sự xã hội, để tuổi trẻ có thể dấn thân?”

Đề cập đến sự khó khăn, ông Lê Hoàng, tổng giám đốc công ty văn hoá Sài Gòn cho rằng sức mạnh của sự đồng thuận là một quá trình đi từ nhận thức riêng của mỗi người, đến cọ xát với nhau, qua đó tìm đến cái chung về quyền lợi, ngộ ra được chân lý. Nếu không, thì chỉ dừng lại ở sự nhất trí hình thức, thoả hiệp. Còn nhà thơ Nguyễn Duy thì ưu tư: “Đồng thuận giả thì nhiều lắm, đồng thuận thật rất khó triển khai. Chỉ có thể xây dựng sự đồng thuận về nhân văn, về giá trị sống. Thôi thì hãy lặng lẽ làm được điều gì về giá trị sống thì cố gắng làm thôi. Tôi tin là cái thiện sẽ là vĩnh cửu như tôi đã từng viết trong bài thơ Nhìn từ xa... Tổ quốc có đoạn: Dù có sao/đừng khoanh tay/ Khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối/Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?/ Những người tốt đang cần liên hiệp lại/ Dù có sao vẫn Tổ quốc trong lòng/ Mạch tâm linh trong sạch vô ngần/ Còn thơ còn dân/ Ta là dân – vậy thì ta tồn tại.

Bà Trần Thị Tuyết Nga, chủ nhân làng du lịch Một Thoáng Việt Nam (Củ Chi) nhấn mạnh: “Đồng thuận về những giá trị sống của Việt Nam trong tương lai là vấn đề cực lớn. Phải hướng tới tương lai hạnh phúc cho dân tộc. Xã hội đang xuống cấp quá lớn về đạo đức. Có một khoảng cách rất xa về tầm nhìn, về lòng yêu nước. Rất nhiều chuyện sát sườn với đời sống con người chưa được các cấp lãnh đạo và toàn dân nhìn nhận một cách thấu đáo”. Xã hội đang lao đi rất nhanh, sự im lặng của một bộ phận xã hội cũng là biểu hiện sự phản kháng trước những vấn nạn. Con người thời đại nào cũng cần có cái neo để sống, để chiến đấu, và cống hiến cho cuộc đời, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ, chia sẻ những giá trị bằng những người thực, việc thực, không chỉ bằng lý thuyết. Bà kể câu chuyện về những bức xúc của mình khi có cơ hội gặp chính quyền, bà nhấn mạnh: “Cách đây chục năm, tôi có nói với các anh lãnh đạo thành phố rằng, coi chừng việc coi trọng phát triển kinh tế xem nhẹ văn hoá không những sẽ giết chết những giá trị nhân văn mà để rồi sau đó, như người đi một chân vào tương lai, không còn giữ được thăng bằng sẽ đổ vỡ tất cả”. Tiên đoán của bà có vẻ không sai khi đời sống và những giá trị đạo đức, nhân văn đi kèm giờ trở nên tha hoá một cách trầm trọng.

Ở góc nhìn nhân văn, nhà nghiên cứu khoa học Nguyễn Văn Trọng cho rằng mình tìm thấy ở các giá trị tồn tại của con người, ngoài việc đồng lòng tiến lên còn có một thái độ sống mà ở đó sự tự thân đáng được tôn trọng. Chính là cách họ tìm kiếm sự sống sót, tìm kiếm sự thành công cho cuộc đời họ theo một cách lương thiện mà không xâm phạm lợi ích của kẻ khác, không nghiền nát người khác để tìm cho mình một chỗ đứng trong lịch sử phát triển thiếu cân bằng hôm nay. “Nhưng cũng đừng kỳ vọng nhiều quá vào những giá trị cũ. Giới trẻ hiện nay khác hẳn ngày xưa. Xã hội khác, tham vọng khác khiến các giá trị mà ta minh định giờ cũng khác. Chúng ta luôn mong muốn việc làm của chúng ta tác động lên xã hội. Nhưng cũng đừng kỳ vọng nhiều quá, và chúng ta cũng không dễ dàng trả lời được cho các bạn trẻ và những giá trị mới mà chúng đã nêu”, ông nói.

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn kết thúc buổi toạ đàm bằng những lời tâm huyết: “Cần dần dần xây dựng sự đồng thuận xã hội về những giá trị mới như nhân quyền, dân quyền, dân chủ, môi trường, môi sinh… hoặc bằng cách tiếp cận mới về những giá trị cũ, nếu không xã hội sẽ phá sản. Trước mắt là sự đồng thuận của toàn xã hội để giữ lấy Biển Đông”.

HƯƠNG XUÂN

 

 

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Chúng ta chỉ có một sức mạnh là đoàn kết toàn dân

Chính quyền cần ý thức rất mạnh về chuyện đoàn kết. Trong một nước từ chính quyền đến tất cả dân chúng không đoàn kết thì sẽ rất yếu. Sức mạnh của chúng ta bây giờ đối với láng giềng là rất yếu về kinh tế, quân sự, chính trị mà chúng ta chỉ có một sức mạnh là đoàn kết toàn dân. Thực hiện như thế nào để ý kiến của toàn dân, lãnh đạo, trí thức yêu nước đều thống nhất thì mới gây được phong trào đoàn kết. Cả một phong trào yêu đất nước của mình, không có nghĩa là yêu cái đất mà yêu con người của mình nữa, yêu con người của mình không có nghĩa là những người sống bây giờ mà còn là những con người hàng ngàn năm xưa đã góp sức xây dựng từ một dân tộc Giao Chỉ nhỏ bé giờ đã trở thành một quốc gia có vị thế. Nhưng cũng không vì thế mà tự mãn.

 

 

Nhà thơ Việt Phương

Đồng thuận xã hội là sức năng động tự thân của dân tộc

“Đồng thuận” bao hàm “khác biệt”. Không có khác biệt về lý tưởng, mục tiêu, tư duy, tình cảm, hành động... thì không có đồng thuận. Mặt khác hoàn toàn giống nhau thì không phải là đồng thuận, cũng không phải đoàn kết, nhất trí, thống nhất, mà chỉ là rập khuôn, sao chép, thường có sự ép buộc, không tự nguyện.

Ai tạo ra, bảo vệ và củng cố đồng thuận xã hội? Đó là sức năng động tự thân của dân tộc. Sức năng động tự thân ấy dựa trên nền tảng, là lịch sử dân tộc, truyền thống dân tộc, các giá trị tư tưởng, văn hoá của dân tộc, tạo thành bản chất và bản lĩnh dân tộc.

Cùng với sức năng động ấy chính là não trạng, tâm trạng, tầm cỡ, phẩm hạnh, chính sách, pháp luật, hành vi của giới cầm quyền, từ cấp cả nước đến cấp cơ sở.

Từng cộng đồng người, từng tầng lớp người có sự đồng thuận trong từng lĩnh vực khác nhau. Những sự đồng thuận này không đối nghịch, mà thực hiện, bổ sung, phát triển sự đồng thuận xã hội của toàn dân tộc.
Cần tôn trọng và bảo vệ sự khác biệt (đã khác biệt là mang tính xây dựng). Cần khắc phục và loại bỏ sự đối nghịch (mà đối xử văn minh và thu phục đối với người đối nghịch).

Về sức năng động tự thân của dân tộc, cần nhấn mạnh vai trò quyết định của nông dân, của cư dân nông thôn làm nông nghiệp, và rộng hơn, làm kinh tế nông thôn, tạo dựng xã hội nông thôn. Cần phát huy vai trò động lực của ba tầng lớp xã hội đan xen vào nhau: trí thức đích thực, doanh nhân chân chính, tuổi trẻ tâm huyết.

Điều cực kỳ quan trọng là xử lý đúng quan hệ giữa chính sách và việc làm đối nội với chính sách và việc làm đối ngoại: từ đối nội mà đối ngoại, làm chủ đối nội và đối ngoại, không để lực lượng nước ngoài tác động, chi phối đối nội và đối ngoại của nước ta.

Từ đồng thuận xã hội hiện nay, tiến lên đoàn kết dân tộc. Thực sự dân chủ được đến đâu thì thực sự đoàn kết dân tộc được đến đấy. Thực sự dân chủ là dân chủ do dân tộc chủ động thực hiện, lãnh đạo biết làm người đầy tớ trung thành của dân, làm người học trò khiêm tốn của dân, để có thể làm người hướng dẫn tin cậy của dân. Thứ dân chủ do ai đó rộng lòng ban phát cho dân, thì là dân chủ giả hiệu.

SGTT.VN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 255


Hôm nayHôm nay : 54673

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1012112

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72694821