Thành công trong niên vụ 2011-2012, song ngành cà phê đang phải đối mặt mới nhiều khó khăn trong niên vụ tới.
Nhìn lại niên vụ thành công.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong niên vụ 2011 - 2012, ngành cà phê đạt được hiệu quả cả về sản lượng (tăng 23%), chất lượng và giá cả (tăng 24% giá trị) so với niên vụ trước. Xuất khẩu cà phề đạt mức kỷ lục khoảng 1,5 triệu tấn nhân, kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Nguyên nhân của thành công được nhìn nhận do thời tiết thuận lợi cho thu hoạch, phơi cà phê và do được giá nên người dân tập trung chăm bón tốt hơn. Xuất khẩu tăng cũng nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ Quyết định 481/QĐ-TTg của Chính phủ trong việc mua tạm trữ cà phê giúp nông dân, DN không bán ồ ạt từ đầu vụ mà chủ động tạm trữ nên giá bán được giữ vững từ đầu đến cuối vụ, không xảy ra biến động lớn về giá.
Bên cạnh đó, cũng nhờ phần lớn các DN cà phê Việt Nam đã rút được kinh nghiệm về phương thức mua bán nên trong mùa vụ có hàng mới bán và giao hàng ngay…. Nhiều DN đạt được kim ngạch xuất khẩu cao như Tập đoàn Intimex, Công ty Simexco DakLak, Công ty Tín Nghĩa Đồng Nai, Công ty Anh Minh, Công ty Trường Ngân, Công ty Phúc Sinh…. Thêm đó, sản lượng cà phê thế giới không tăng như dự báo nên nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong chế biến, doanh nghiệp ngành cà phê cũng tăng cường tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê rang xay để phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Năm 2012 ngành có thêm một số nhà máy chế biến cà phê hòa tan mới đi vào hoạt động như Nhà máy của Vinacafe công suất 3.200 tấn/năm, nhà máy của Công ty Cà phê Ngon (100% vốn của Ấn Độ) công suất 10 ngàn tấn/năm, Nhà máy của Nestle công suất 12 ngàn tấn/năm và một số nhà máy khác của các DN nhỏ như Phương Vy …Tổng công suất đầu tư mới trên 25 ngàn tấn, gấp 2,5 lần công suất hiện tại.
Trở ngại nào trong niên vụ mới?
Dù đạt hiệu quả, song ngành cà phê cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là sự già cỗi của cây cà phê, diện tích tăng vượt tầm quy hoạch và tình hình kinh doanh của DN..
Hiện trên 30% diện tích cà phê có tuổi đời trên 20 năm, một số diện tích đã quá già cho năng suất thấp (dưới 1 tấn/ha), hạt nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Giá cả tăng cao những năm qua khiến diện tích cà phê mở rộng nhanh hơn quy hoạch, thậm chí cà phê được trồng ở những vùng đất thổ nhưỡng không thích hợp. Riêng Tây Nguyên, thủ phủ của cà phê, quy hoạch chỉ cho phép ổn định mức 460 ngàn ha, nhưng diện tích vùng này đã lên đến 480 ngàn ha. Cộng với dự báo thời tiết thất thường như mưa bão, hạn hán, nên trong niên vụ tới sản lượng cà phê có thể giảm khoảng 15%-20% so niên vụ 2011-2012.
Trong thu mua xuất khẩu, dù có nhiều DN trong nước kinh doanh xuất khẩu cà phê, nhưng DN nước ngoài lại nắm đầu ra và DN trong nước chủ yếu là gom hàng. DN nước ngoài có kinh nghiệm, có tài chính mạnh, lại chia nhau vùng trong thu mua, DN trong nước tài chính yếu và vẫn còn liên kết lỏng lẻo với người trồng cà phê. Hiện tượng thất bại, thua lỗ của DN, các đại lý thu mua vẫn xảy ra ảnh hưởng lớn đến người trồng cà phê và tạo biến động thị trường.
Tại Đăk Lăk, nơi có đến 200 ngàn ha cà phê với gần 40% nông dân trồng cà phê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Đinh Văn Khiết cho biết, cây cà phê trong tỉnh luôn đối mặt với rủi ro thời tiết, giá cả và dù xuất khẩu nhiều nhưng nông dân vẫn khó khăn.
Theo các DN, khó khăn chính của ngành hiện nay là thiếu vốn cho tái canh cây cà phê già cỗi, thiếu vốn trong thu mua tạm trữ và cho chế biến xuất khẩu. Nhiều DN cho rằng điều quan trọng là ngân hàng nên sớm có cơ chế hỗ trợ DN thu mua cà phê từ dân khi giá xuống và cơ chế này nên tự động, không xin duyệt như các đợt trước để triển khai kịp lúc. Việc hỗ trợ của ngân hàng cũng nên gắn với việc nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu qua phát triển cà phê bền vững vì hiện chất lượng cà phê Việt Nam còn thấp, chỉ có khoảng 30% cà phê chất lượng cao .
Ngân hàng khẳng định chung tay cùng doanh nghiệp
Để hỗ trợ và giải quyết khó khăn của ngành cà phê trong niên vụ mới, tại buổi tổng kết niên vụ cà phê 2011-2012 tổ chức mới đây ở TP. Hồ Chí Minh, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ngân hàng NN&PTNT) khẳng định sẽ tăng vốn tín dụng cho ngành. Theo đó, niên vụ 2012-2013, Ngân hàng này sẽ tăng thêm 5 ngàn tỷ đồng vốn tín dụng hỗ trợ, trong đó 3.500 tỷ đồng dành cho công tác thu mua cà phê, 1.500 tỷ đồng dùng tái canh cây cà phê khu vực Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT, để nắm bắt nhu cầu thực tế của DN giữa tháng 11 tới ngân hàng sẽ tổ chức tại Gia Lai buổi gặp mặt các DN cà phê nhằm nắm rõ hơn nhu cầu vốn từ các DN.
Theo các chuyên gia, bên cạnh sự chung tay từ phía ngân hàng, nhiều giải pháp đồng bộ khác cũng nên được triển khai tích cực hơn trong niên vụ 2012-2013, nhất là việc xây dựng thương hiệu và ổn định việc kinh doanh cà phê. Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, ngành nên chú trọng xây dựng thương hiệu và Chính phủ nên đứng ra chỉ đạo, có chính sách, cơ chế riêng, một vài DN không thể làm được. Để việc kinh doanh cà phê đi vào ổn định, nên xem việc kinh doanh cà phê là loại hình kinh doanh có điều kiện và DN nên tham gia vào bảo hiểm xuất khẩu để giảm rủi ro. Trước mắt trong niên vụ tới, DN không nên bán ồ ạt, không nên giao hàng mà chưa biết giá và cũng phải có phương án mua ngay bán ngay để đảm bảo an toàn vốn./.
Ngọc Long
(ven.vn)