Giữ "lửa" nghề truyền thống của cha ông
Người làm bánh đa vừng lâu năm tại xã Việt Xuyên (Thạch Hà) cũng không nhớ nghề có từ khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy ông bà, bố mẹ làm những chiếc bánh đa vừng thơm ngon. Cho đến giờ, người dân nơi đây vẫn luôn duy trì và phát triển nghề làm bánh đa vừng như gìn giữ cái “hồn” của quê hương.
Người dân tất bật đóng bánh đã sấy khô để vận chuyển đến các cơ sở tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Bà Nguyễn Thị Xanh (thôn Tân Long) chia sẻ: “Sau nhiều thăng trầm, người Việt Xuyên vẫn cố gắng giữ được nghề truyền thống của cha ông. Bánh đa nơi đây được nhiều người yêu thích bởi cái thơm của gạo, vị béo của vừng.
Hơn 30 năm trong nghề, tôi vẫn tiếp tục đỏ lửa, đưa sản phẩm đến với nhiều khách hàng. Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình hằng ngày”.
Xã Việt Xuyên (Thạch Hà, Hà Tĩnh) từ lâu nổi tiếng với nghề bánh đa vừng truyền thống.
Với mong muốn giữ lửa cho nghề truyền thống, anh Nguyễn Hữu Đức (thôn Trung Trinh) cho biết: “Là người con của quê hương, lại là thế hệ trẻ kế cận, mình luôn mong muốn, tìm tòi để làm sao sản phẩm bánh đa vừng được biết đến nhiều hơn nữa, đồng thời cải tiến khoa học kỹ thuật để người làm đỡ vất vả sớm hôm mà có thể sản xuất số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Trăn trở với cái nghề cha ông, nhiều hộ dân nơi đây đã bỏ cách làm mang mún, nhỏ lẻ, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng của sản phẩm; tập trung phát triển nghề theo chiều sâu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Xây dựng thương hiệu bánh đa vừng Việt Xuyên
Nhiều hộ sản xuất đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để từng bước nâng cao
sản lượng, chất lượng của sản phẩm
Năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Thuý (thôn Trung Trinh) đã mạnh dạn dốc vốn, đầu tư hơn 200 triệu mua sắm trang thiết bị hiện đại như máy nghiền bột cỡ lớn, máy tránh bánh tự động, máy sấy giòn,… nhằm rút ngắn thời gian chế biến và đóng gói sản phẩm bánh đa vừng.
“Để khẳng định được thương hiệu thì mình cần chịu khó đầu tư, thực hiện đầy đủ thủ tục đăng kí kinh doanh, lấy giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng. Đến nay, hoạt động của cơ sở đã đi vào ổn định, mỗi năm đưa vào sản xuất hơn 4 tấn vừng, gần 60 tấn lúa. Từ đó, giải quyết việc làm ổn định cho 7 lao động tại địa phương. Bánh đa vừng làm ra tới đâu bán hết tới đó”, chị Thuý cho biết.
Bánh đa sau khi phơi được nướng bằng lò nên chín vàng đều và đẹp mắt, tăng tính
thẩm mỹ cho sản phẩm, được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Anh Nguyễn Hữu Đức cho biết: “Sau quá trình dài phấn đấu, nỗ lực, đến nay, thương hiệu bánh đa vừng Việt Xuyên đã được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng. Hiện, mỗi ngày, cơ sở có thể sản xuất khoảng 3.500 – 3.600 cái bánh, nhanh gấp nhiều lần làm thủ công. Bánh đa sau khi phơi được nướng bằng lò nên chín vàng đều và đẹp mắt, tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm".
Nhờ thế, bánh đa của cơ sở đã có chỗ đứng tại thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu đạt trung bình 100 triệu/tháng. Sắp tới, cơ sở dự kiến sẽ tham gia chương trình OCOP để đầu tư hơn về mặt chất lượng, mẫu mã sản phẩm, “nâng tầm” nghề truyền thống của cha ông.
Máy nướng bánh giúp rút ngắn thời gian, tăng năng suất.
Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên Trần Sỹ Anh cho biết: “Nhằm từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm của xã trong đó có bánh đa vừng, chính quyền xã đã ưu tiên hỗ trợ các hộ sản xuất đưa công nghệ, khoa học vào áp dụng, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành để đưa bánh đa vừng và một số sản phẩm tiêu biểu tham gia chương trình OCOP của huyện Thạch Hà. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ đăng ký nhãn mác, giấy phép kinh doanh… cho các cơ sở sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”.
Theo Thái Oanh - Thu Phương/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn