Trong số 5 giống lúa mới, có 3 giống lúa khảo nghiệm sản xuất gồm: Kim Cương 111, Hương Cốm 4 và Lam Sơn 116. 2 giống lúa tham gia sản xuất thử nghiệm là ĐB18 và Thần Việt 7.
Quá trình khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thực nghiệm được thực hiện trên tổng diện tích 41ha thuộc 3 xã: Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), Hát Môn (Phúc Thọ), Liên Xã (huyện Mê Linh). Phương pháp khảo nghiệm được thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng giống lúa” QCVN 01-55:2011/BNNPTNT của Bộ NN-PTNT.
Kết quả đánh giá qua sản xuất vụ ĐX 2016 - 2017 và vụ mùa 2017 cho thấy, 3 giống tham gia khảo nghiệm có sức sống mạ khá tốt. Độ thuần đồng ruộng cao. Cứng cây, chống đổ tốt. Đẻ nhánh gọn, tập trung. Cả 3 giống lúa trên đều chỉ bị sâu bệnh hại ở mức nhẹ (điểm 1 - 3).
Đáng chú ý, tất cả các giống khảo nghiệm khi đưa vào sản xuất cho năng suất theo thực tế cao hơn giống đối chứng là Khang Dân 18 và Bắc Thơm số 7 từ 5,3 - 16,7 tạ/ha ở vụ ĐX và từ 3,2 - 14,5 tạ/ha trong vụ mùa.
Đối với 2 giống lúa tham gia sản xuất thử nghiệm là Thuần Việt 7 và ĐB18 cho năng suất tương ứng từ 59,78 - 61,36 tạ/ha và từ 61,71 - 67,92 tạ/ha, tại 3 vùng sinh thái thuộc các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh. Chất lượng gạo của cả 5 giống lúa mới tham gia khảo nghiệm và sản xuất thực nghiệm được người dân các địa phương đánh giá cao.
Trong bối cảnh một số giống lúa thuần được sử dụng phổ biến đang dần thoái hóa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hoàng Thị Hòa đề xuất Sở NN-PTNT nghiên cứu, trước mắt bổ sung giống lúa ĐB18 và Thuần Việt 7 vào cơ cấu giống lúa năm 2018...
Theo VĐ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn