Ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên hỗ trợ nông dân phát triển cây khoai mì
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận thông tin: “Những năm qua, cây khoai mì nhận được sự quan tâm của người dân Tịnh Biên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, bởi khả năng thích nghi cao với điều kiện canh tác thiếu nước trên vùng đất triền dốc. Tuy nhiên, người dân chỉ quen trồng khoai mì theo kiểu quảng canh nên năng suất, phẩm chất không cao và đầu ra không ổn định. Do đó, chúng tôi đã gắn kết với Tập đoàn Sao Mai xây dựng vùng nguyên liệu khoai mì, đầu tiên là trồng thí điểm tại 2 xã Văn Giáo và An Cư. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân về cây giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm, ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, cách thức chăm sóc cây khoai mì”.
Theo ông Trần Hiếu Thuận, các giống khoai mì trên địa bàn huyện Tịnh Biên hiện nay gồm có: KM94 chiếm 99%, còn lại là các giống: KM95, HL-S11. Các giống khoai mì này chủ yếu do người dân tự nhân giống nên dẫn đến thoái hóa, năng suất và chất lượng tinh bột không đạt yêu cầu. Về đầu ra, người trồng chủ yếu bán cho 2 cơ sở chế biến khoai mì lát ở xã An Cư và Văn Giáo, với khả năng tiêu thụ khoảng 35 tấn/ngày. Vì vậy, việc Tập đoàn Sao Mai tham gia cùng địa phương phát triển giống khoai mì KM140 mở ra hướng đi mới cho cây khoai mì xứ núi Tịnh Biên.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên đã triển khai mô hình thí điểm trên diện tích 17ha tại 2 xã An Cư, Văn Giáo với 9 hộ dân tham gia. Giống KM140 là khoai mì cao sản với thời gian sinh trưởng 8-10 tháng, năng suất củ tươi bình quân đạt 39 tấn/ha và năng suất bột 10 tấn/ha. Ông Lê Văn Thành, Phó Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tịnh Biên phân tích: “Giống KM140 được nhập về từ Tây Ninh với những phẩm chất phù hợp thổ nhưỡng vùng Bảy Núi. Đến nay, mô hình đã thực hiện được 5 tháng và cho kết quả rất khả quan. Với 17ha thí điểm, năng suất ước đạt 30 tấn/ha và tổng sản lượng là 510 tấn. Hiện nay, giá khoai mì đang ở mức 2.000 đồng/kg, nông dân sẽ có nguồn thu rất khả quan. Với việc được bao tiêu đầu ra, họ sẽ phấn khởi hơn khi đến kỳ thu hoạch củ”.
Với những kết quả từ mô hình trồng khoai mì trên đất núi, ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên đang có hướng mở rộng, phát triển giống khoai mì KM140. Trước mắt, sẽ vận động người dân tham gia đăng ký sản xuất vụ tiếp theo, không chỉ với giống KM140 mà kể cả giống “truyền thống” là KM94. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật canh tác cây khoai mì cho nông dân, khuyến khích việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
“Vai trò của ngành chuyên môn là xây dựng các điểm sản xuất giống khoai mì chất lượng, uy tín để cung cấp cho người dân. Đồng thời, tăng cường công tác khảo nghiệm các giống mới có năng suất cao, ổn định, phù hợp với thổ nhưỡng để đưa vào cơ cấu giống khoai mì của huyện. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng mô hình nông nghiệp phù hợp cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Tịnh Biên có thể không trở thành “Vương quốc khoai mì” như một số huyện của tỉnh Tây Ninh nhưng có đủ điều kiện để trở thành “Thủ phủ” của cây khoai mì trong tương lai” - ông Lê Văn Thành khẳng định. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên tiếp tục theo dõi hiệu quả của mô hình, đồng thời kiến nghị UBND huyện hỗ trợ xây dựng quy hoạch vùng phát triển cây khoai mì và tạo điều kiện để nông dân trồng mới, đầu tư thâm canh tăng năng suất.
“Đây là kết quả bước đầu nhưng mở ra hướng phát triển tích cực cho cây khoai mì trên đất núi Tịnh Biên. Cây khoai mì là giải pháp tối ưu để chúng tôi hỗ trợ nông dân chuyển đổi, phát triển sản xuất tại những vùng đất trồng lúa không hiệu quả và chưa được đầu tư công trình thủy lợi. Mong rằng, sự liên kết giữa địa phương và Tập đoàn Sao Mai sẽ tiếp tục đạt những bước tiến mới, góp phần đưa cây khoai mì trở thành loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân miền núi Tịnh Biên” - ông Trần Hiếu Thuận kỳ vọng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn