Nắm bắt tình hình xuất khẩu và thị hiếu tiêu dùng gạo nội địa, Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình (Thaibinh Seed) đã chọn tạo thành công một số giống lúa mới thích ứng tốt trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, tiêu biểu phải kể đến lúa lai 3 dòng Phúc Thái 168 và lúa thuần Đông A 1.
Ông Mai Nhữ Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa (áo đen) đánh giá cao giống lúa thuần Đông A 1 |
TCty Giống cây trồng Thái Bình đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị thăm đồng, đánh giá kết quả khảo nghiệm 2 giống lúa trên.
Vụ xuân 2017, huyện Đông Sơn triển khai trồng khảo nghiệm giống lúa Đông A 1 trên diện tích 2ha tại cánh đồng thôn 4 của xã Đông Minh. Dự kiến năng suất đạt hơn 3,5 tạ/sào, tương đương 7 tấn/ha.
Các hộ dân tham gia mô hình đều chung nhận định, Đông A 1 là giống lúa thuần chất lượng cao, mang nhiều đặc tính vượt trội. Bà Nguyễn Thị Lĩnh, trú tại thôn 4 hồ hởi cho biết: “Từ đầu vụ đến giờ, xuyên suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa gia đình tôi chưa phải phun thuốc trừ sâu lần nào. Dù thời tiết gặp nhiều bất lợi nhưng cây phát triển ổn định, đẻ nhánh khỏe. Đông A 1 có bộ lá đứng, cứng cây, bông to dài, nhìn chung đủ sức thay thế giống Bắc Thơm 7 đang dần thoái hóa”.
Về đặc điểm, Đông A 1 là giống lúa cảm ôn, có khả năng thích ứng rộng, chịu thâm canh, chống chịu với bệnh bạc lá và rầy nâu tốt hơn giống Bắc Thơm 7. Ở miền Bắc, thời gian sinh vụ xuân kéo dài từ 124 - 135 ngày, vụ mùa từ 108 - 110 ngày. Nếu thâm canh tốt, nông dân có thể lãi từ 12,5 - 24,7 triệu đồng/ha, cao hơn giống đối chứng Bắc thơm 7 từ 4,7 - 9,3 triệu đồng/ha.
Người dân xã Đông Minh hồ hởi trước hiệu quả mà Đông A 1 mang lại |
Để đạt hiệu quả tối đa, đòi hỏi bà con phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật. Theo đó, quá trình bón lót phải dùng toàn bộ 100% phân hữu cơ vi sinh, lân và 30% lượng đạm, 20% kali bón lót sâu trước khi cấy. Khi lúa bén rễ hồi xanh, chuyển qua bón thúc với tỷ lệ 60% lượng phân đạm + 30% kali. Khi lúa đứng cái, tiếp tục bón thêm 10% lượng đạm + 50% kali.
Sau khi tham quan mô hình, ông Mai Nhữ Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa khẳng định: “Quá trình sản xuất thử tại huyện Đông Sơn cho thấy đây là giống lúa chất lượng, năng suất khá, chất lượng gạo ngon. Với hàm lượng Amyloza đảm bảo tiêu chuẩn, sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường sau này.
Đông A 1 kháng bệnh hiệu quả, đặc biệt là đạo ôn và bạc lá. Nếu được công nhận chính thức, chúng tôi sẽ định hướng đưa vào sản xuất trên quy mô lớn để tạo ra hàng hóa chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu”.
Một giống lúa triển vọng khác của Thaibinh Seed cũng đang ghi dấu ấn rõ nét trên những cánh đồng xứ Thanh là Phúc Thái 168. Quá trình trồng khảo nghiệm tại các huyện Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Nông Cống, Đông Sơn, Thọ Xuân, Nga Sơn đều cho kết quả khả quan, được chính quyền địa phương và đông đảo bà con nông dân hồ hởi đón nhận.
Lúa lai 3 dòng Phúc Thái 168 là sản phẩm hợp tác giữa Cty Giống cây trồng Khoa Hội (Phúc Kiến, Trung Quốc) và Thaibinh Seed, đã tham gia hệ thống khảo nghiệm Quốc gia.
Nếu thâm canh tốt, lúa lai Phúc Thái 168 có thể đạt năng suất trên 8 tấn/ha |
Với mục đích tìm ra bộ giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng từng bước thay thế các bộ giống lúa lai cũ (N ưu 69, Nhị ưu 838…) nhằm tăng hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, Trạm Khuyến nông huyện Nông Cống đã hợp tác với Thaibinh Seed xây dựng mô hình khảo nghiệm quy mô 7ha, sản xuất lúa lai 3 dòng Phúc Thái 168 tại 2 xã Tượng Văn và Thăng Bình với sự tham gia của 90 hộ.
Quá trình canh tác cho thấy Phúc Thái 168 có nhiều ưu điểm, là giống lúa ngắn ngày, ít nhiễm bệnh, chất lượng cơm ngon, mềm, dẻo. Thích hợp chân đất vàn và vàn thấp, năng suất bình quân đạt từ 70 - 75 tạ/ha, những nơi thâm canh tốt hoàn toàn có thể đạt ngưỡng trên 80 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 10 triệu đồng/ha so với trồng Nhị ưu 838.
Qua theo dõi, ông Phạm Hữu Huynh, trú tại thôn 8 xã Tượng Văn nhận thấy “lúa lai Phúc Thái 168 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn Nhị ưu 838 từ 4 - 5 ngày, năng suất cao hơn khoảng 5,5 tạ/ha. Mới chỉ khảo nghiệm vụ đầu tiên nhưng mang lại nhiều tín hiệu khả quan, tin rằng khi áp dụng đại trà sẽ thắng lợi”.
Đại biểu tham quan mô hình khảo nghiệm giống lúa Phúc Thái 168 tại xã Thiệu Lý, Thiệu Hóa |
Lãnh đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tham quan, đánh giá mô hình khảo nghiệm Phúc Thái 168 tại xã Thiệu Lý, Thiệu Hóa |
Theo báo cáo của Thaibinh Seed, lúa thuần Đông A 1 được trồng khảo nghiệm khắp các tỉnh thành của đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ (Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An) và khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Gia Lai, Đăc Lăk) với tổng diện tích 525,2ha. Từ hiệu quả thực tiễn, đã có 4 Sở NN-PTNT đã đề nghị công nhận đặc cách chính thức giống lúa Đông A 1 để làm cơ sở bổ sung vào cơ cấu sản xuất của tỉnh. |