Bệnh bạc lá lúa (xanthomonas campestris pv. oryzae dowson), là bệnh do vi khuẩn gây ra. Đây có thể xem là loại bệnh “nan y” với cây lúa. Bởi khi lúa bị bệnh, thường là giai đoạn gần cuối chu kỳ sinh trưởng (đã xuất hiện bộ lá công năng gồm lá thứ 2 trở xuống kể từ lá đòng), cũng là thời kỳ mẫn cảm nhất của cây lúa với bệnh này.
Cây lúa bị bệnh bạc lá |
Gọi là nan y, vì nếu hội tụ đầy đủ các điều kiện như lúa quá tốt, thừa đạm, bộ lá đã đạt chỉ số diện tích tối đa, nguồn vi khuẩn luôn sẵn có, điều kiện thời tiết thuận cho vi khuẩn lây lan phát triển như mưa lớn, bão tố làm dập, rách lá lúa tạo các vết thương hở… thì bệnh sẽ phát triển nhanh đến mức độ mỗi ngày mỗi khác.
Gọi là nan y vì vi khuẩn gây bệnh hiện chưa có thuốc hóa học hay sinh học thực sự đặc hiệu để phòng trừ, mặc dù cũng đã có vài loại thuốc được khuyến cáo cho loại bệnh này nhưng hiệu lực rất hạn chế.
Bệnh phát sinh gây hại từ tháng 3- 4 dương lịch ở các tỉnh phía Bắc, nó đặc biệt gây hại trầm trọng trên lúa mùa với những năm mưa, bão nhiều; chân ruộng vàn thấp, trũng, hẩu, thừa đạm sẽ bị nặng và càng nặng ở những vùng được xem là “rốn” của bạc lá. Ở những vùng này, với cơ cấu đại trà là các giống mẫn cảm, nhiễm nặng với bạc lá tháng 10, tháng 11 dương lịch bộ lá gần như cháy khô. Vậy, giải pháp nào để hạn chế loại bệnh nguy hại này trên lúa?
Về nguyên nhân gây bệnh và véc- tơ lan truyền bệnh bạc lá khá rõ ràng. Cách để hạn chế bệnh là áp dụng tổng hợp các giải pháp từ khống chế nguyên nhân, đến các biện pháp ngăn chặn lây lan. Các giải pháp này, ngành chuyên môn gần như đã “bốc” đủ các vị thuốc rồi, chỉ xin bàn luận và làm minh bạch thêm ở đây về một giải pháp xem ra có tính khả thi trong chuỗi các giải pháp với sự trợ giúp và phát triển của khoa học- công nghệ, trong đó đặc biệt là công nghệ sinh học phân tử.
Ở miền Bắc nước ta, nhóm tác giả thuộc Bộ môn bệnh cây (Viện CLT- CTP); Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành thu thập hàng trăm mẫu vi khuẩn gây bệnh bạc lá, đánh giá phản ứng của các giống lúa chỉ thị với bệnh này đã đi đến kết luận và chia ra thành 3 nhóm vi khuẩn có độc lực khác nhau.
Nhóm nòi 1 phân bổ ở Nam Định; nhóm nòi 2 phân bổ ở Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Nghệ An, Hòa Bình, nhóm nòi 3 ở Hải Dương, Thanh Hóa. Trong 3 nhóm nòi thì nhóm nòi 2 có độc tính mạnh và phổ phân bố rộng, gây hại lớn ở miền Bắc.
Về gen kháng, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, gen kháng vi khuẩn bạc lá được xác định là gen đơn, có tới 12 gen kháng; nhưng 3 gen đơn là Xa5, Xa7 và Xa21 được xác định là kháng với cả 3 nhóm nòi. Như vậy có thể nói, nếu giống lúa nào chứa cả 3 gen đơn này sẽ có phổ kháng rộng và cao với các nòi bạc lá ở miền Bắc cũng có nghĩa là giống đó chống được bệnh bạc lá.
Đưa gen kháng bạc lá vào giống lúa đang phổ biến, có chất lượng và năng suất cao là một trong các định hướng quan trọng nhằm từng bước hạn chế thiệt hại cho nông dân khi gieo cấy các giống lúa chất lượng ở vụ mùa. Đây cũng là giải pháp phòng thủ khiến vi khuẩn bạc lá không thể tấn công gây hại, từ đó không làm tăng nguồn lây lan, nó chính là mắt xích trong chuỗi véc- tơ ngăn bệnh được xem là hữu hiệu nhất.
Vậy một số giống lúa đang được quảng cáo là giống kháng bạc lá thì thực chất thế nào?
Hiện một số viện, trường và doanh nghiệp cũng đã đầu tư, đặt hàng nghiên cứu, cải tiến giống lúa đang được phổ biến rộng ngoài sản xuất bằng cách sử dụng công nghệ đánh dấu gen, lai tích lũy để chuyển các gen đơn kháng bạc lá từ các vật liệu giống đã được xác định. Công tác nghiên cứu, lai tạo này cũng đã được tiến hành thành công trên một số giống lúa ưu thế lai của Trung Quốc như Bác ưu 903, Nhị ưu 838; lúa ưu thế lai của Bayer…
Trong nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện và chuyển thành công gen Xa21 vào giống lúa Bắc thơm 7, một giống lúa có chất lượng cơm gạo ngon, thơm đã được Cục Trồng trọt chấp nhận tiếp tục mở rộng sản xuất thử với điều kiện phải phân tích trình tự gen và chứng minh có gen kháng bạc lá, đồng thời phải lây nhiễm nhân tạo bệnh bạc lá để xác định hiệu lực của gen kháng bạc lá.
Theo đó giống Bắc thơm 7 KBL đã được Bộ môn sinh học phân tử, Viện Di truyền nông nghiệp kiểm tra sự có mặt của gen kháng bạc lá và kết luận: 7 dòng lúa được chọn lọc của Cty CP Giống cây trồng Hải Dương từ giống lúa Bắc Thơm 7 lai tạo theo hướng tích lũy trên có chứa gen Xa21 ở trạng thái đồng hợp tử. Kết quả lây nhiễm nhân tạo trên các dòng này đều cho kết quả là giống có khả năng kháng đến kháng vừa với vi khuẩn bạc lá gồm cả 3 nhóm nòi.
Các giống lúa khác, nếu trong quá trình khảo nghiệm, sản xuất thử có đánh giá lây nhiễm nhân tạo với bạc lá và được kết luận là kháng hoặc kháng vừa thì cũng mới chỉ tin tưởng một phần. Vì như đã nói ở trên, nhóm nòi vi khuẩn là khác nhau giữa các vùng, kháng hoặc kháng vừa với vi khuẩn ở vùng này, chưa hẳn đã kháng được với nhóm nòi vi khuẩn ở vùng khác. Để minh bạch hơn thông tin, cần có việc phân tích gen như đã làm với giống Bắc Thơm 7 KBL.
Bệnh bạc lá lúa diễn biến phức tạp và như đã nói, lại bị tác động của ngoại cảnh rất lớn, do vậy thời vụ, phân bón cho lúa cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Thực tế thì ngay cả giống Bắc thơm 7 thường nếu bố trí ở chân đất hợp lý tránh chân vàn thấp, trũng hẩu, thâm canh cân đối, bón đạm vừa phải, nặng đầu nhẹ cuối, giai đoạn lá công năng hình thành không mưa to bão lớn, chưa hẳn đã bị bạc lá tấn công. Cùng với giống có mang gen kháng, biện pháp canh tác sẽ giúp cây lúa sinh trưởng khỏe, đề kháng tốt thì ắt bạc lá sẽ nhẹ.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống, nếu giới thiệu và quảng cáo với nông dân là giống kháng bạc lá, cần có những phân tích về gen và kết hợp với lây nhiễm nhân tạo để đảm bảo tính xác thực, tính khoa học cho việc quảng bá. Nếu không đủ cơ sở, doanh nghiệp không nên lạm dụng “chiêu bài” kháng bạc lá trên các bao bì, trên cả phần tóm tắt các đặc tính của giống. Cơ quan quản lý giống các địa phương có thể căn cứ vào quy định hiện hành về bao bì, nhãn mác sản phẩm, quảng cáo sản phẩm để xử phạt theo luật.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn