Tham dự hội thảo có 80 đại biểu trong và ngoài mô hình, trong đó có 70 đại biểu là nông dân. Tại hội thảo các đại biểu được trực tiếp tham quan, đánh giá mô hình ngoài đồng ruộng và được nghe đại diện các hộ tham gia dự án báo cáo kết quả thực hiện mô hình.
Năm 2018, thời tiết có nhiều bất lợi cho cây lúa, mưa nhiều, tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp; các ruộng của mô hình đều bị ảnh hưởng, trà lúa trổ vào thời điểm mưa nhiều nên năng suất trung bình ước đạt thấp hơn so với các năm.
Qua tham quan thực tế ngoài đồng, các đại biểu đều đánh giá cao kỹ thuật áp dụng và hiệu quả của mô hình như: giảm lúa giống 60%, giảm phân bón 16,39%, thuốc BVTV giảm 3 lần.
Hiện tại cây lúa được 92 ngày tuổi, đang trong giai đoạn chín, chuẩn bị thu hoạch. Thông qua các thông số kỹ thuật, năng suất ước đạt khoảng 37 – 40 giạ/công (1.300 m2) tương đương 5,7 – 6,2 tấn/ha, tăng hơn 200kg/ha và lợi nhuận tăng hơn 4 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác truyền thống.
Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phước Long cho biết, đây là mô hình áp dụng cơ giới hóa vào canh tác lúa đầu tiên trên địa bàn huyện nên nông dân còn nghi ngại, chưa mạnh dạn áp dụng vào SX. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được từ thực tế của mô hình trên đồng ruộng, nông dân được mắt thấy, tai nghe hiệu quả thực sự và đã có sự tin tưởng. Mô hình giảm tỷ lệ lao động phổ thông, giảm được các chi phí đầu vào nhất là đối với lượng lúa giống, lúa phát triển tốt và ít đổ ngã, ít sâu bệnh, năng suất, lợi nhuận cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến cáo, nhân rộng mô hình thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, các mô hình trình diễn để nông dân áp dụng vào SX, góp phần nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn