Người dân Cai Lậy, Tiền Giang trồng thành công cam Mật không hạt.
Phương pháp tuyển chọn giống/dòng không hạt từ các dòng đột biến hay cây trồng hạt trong tự nhiên được xem như một trong những phương pháp cơ bản trong các phương pháp nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống cây có múi. Sau 6 năm khảo sát, đánh giá, nhóm nghiên cứu của ThS. Trần Thị Oanh Yến đã tuyển chọn được một giống với tên gọi cam Mật không hạt (CMKH) (Citrus sinensis L. Osbeck) có các đặc tính:
Cây có dạng hình cầu vươn cao, khả năng ra hoa mạnh, hạt phấn có tỉ lệ bất dục rất cao >95%.
Quả có dạng hình cầu, vỏ quả có màu xanh vàng đến vàng xanh khi chín, tính không hạt của quả rất ổn định ngay cả trong điều kiện thụ phấn nhân tạo với các giống cây có múi khác (bưởi Da xanh, bưởi Năm roi, cam Sành, cam Dây, quýt Đường).Khối lượng quả trung bình 150-270g, chất lượng quả ngon, thịt quả màu vàng tươi, dày vỏ từ 3,5-4,0mm, tỉ lệ nước quả 36-52%, độ Brix 8-10%, acid tổng số 0,5-0,6g/100ml dịch quả, hàm lượng vitamin C 30-32mg/100ml dịch quả; năng suất khá cao (20-30kg/cây/năm ở cây 4-5 năm tuổi). Cây có khả năng thích nghi với điều kiện đồng bằng sông Cửu Long và vùng cao (ở tỉnh Lâm Đồng).
Quả cam Mật không hạt có thể bảo quản 12-13 tuần ở nhiệt độ 8oC, ở nhiệt độ này quả có chất lượng ổn định, vỏ quả có màu vàng tươi.
Giống cam Mật không hạt có khả năng ra hoa rất mạnh, nhưng do bản chất không hạt làm ảnh hưởng đến tỉ lệ đậu quả và năng suất, có thể khắc phục bằng cách trồng xen với các giống cam, quýt thương phẩm khác.
Để đảm bảo cho quả vừa có chất lượng cảm quan bên ngoài, vừa có mùi vị ngọt và đặc trưng bên trong, nên thu hoạch quả cam Mật không hạt ở tuần thứ 33-34 sau khi hoa nở. Quả cam Mật không hạt có thể bảo quản 12-13 tuần ở nhiệt độ 8oC, ở nhiệt độ này quả có chất lượng ổn định, vỏ quả có màu vàng tươi.
Đây là giống cam quý, hình dạng đẹp, phẩm chất ngon, năng suất khá cao, đặc biệt tính không hạt ổn định; đã được Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT công nhận chính thức giống cam Mật không hạt là giống cây trồng mới để sản xuất tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2009. Năm 2010, Bộ NNPTNT đã đưa giống cam Mật không hạt vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.
Tác giả bài viết: Hải Hà (Theo Sofri)
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn