Vịt Cổ Lũng là giống bản địa đã có hơn 100 năm nay, chủ yếu tập trung ở 5 xã là Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Lâm và Thành Sơn. Vịt nuôi nhiều và có thịt ngon nhất là ở xã Cổ Lũng và Lũng Niêm. Trên thị trường, Vịt Cổ Lũng được rất nhiều khách hàng đánh giá là loại có chất lượng thịt ngon nhất, hấp dẫn, khó bỏ hiếm tìm.
Thoạt nhìn, vịt Cổ Lũng giống như vịt bầu, tuy nhiên, có đặc điểm riêng là cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, con trống có lông đuôi xoăn, cổ ánh cườm biếc. Là loài ưa môi trường sạch sẽ, hay bơi lội tìm kiếm mồi tạp. Có khả năng kháng bệnh tốt, xương nhỏ, thịt nhiều nạc, thơm ngon khó loại vịt nào sánh bằng.
Vịt Cổ Lũng được tiếng thơm ngon, không ngậy và hôi như các loài vịt được nuôi ở các vùng khác bởi do cách thức chăn nuôi đặc biệt, vịt được thả tự nhiên chứ không nuôi nhốt. Dân bản địa nói vui là kiểu “trời nuôi”. Vịt chủ yếu được chăn nuôi ở dòng suối Nũa. Con suối này nước vừa trong lại chảy xuôi liên tục, có nhiều ốc cũng như các loại vi sinh, loài vịt Cổ Lũng thường bơi ngược dòng để đón cá con, bắt ốc nên thịt nạc và săn chắc, thơm ngon vị thanh khiết. Tối về cho ăn thêm ngô, sắn, tuyệt đối không có thức ăn công nghiệp.
Vịt Cổ Lũng nuôi khoảng 6 tháng bắt đầu đẻ, trọng lượng tầm 3 - 4 tháng tuổi đạt 1,6 - 1,7 kg, sau 4 - 5 tháng nuôi trung bình có thể đạt 1,5 - 2 kg, bình quân nuôi 4 - 5 tháng có thể đạt 1,6 - 2 kg. Trên thị trường hiện nay, vịt mua tại nhà có giá khoảng 80.000 đồng/kg và vịt giống với giá bán bình quân 12.000 - 13.000 đồng/con, lúc cao điểm lên đến 18.000 đồng/con.
Thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân, đàn vịt Cổ Lũng có xu hướng giảm dần về số lượng. Ðứng trước tình hình đó, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp Thanh Hoá đã có chủ trương bảo tồn và phát triển giống vịt đặc sản Cổ Lũng. Ðặt hàng những hộ gia đình có đàn vịt Cổ Lũng thuần chủng ở trong vùng để thu mua trứng, sau đó đưa vào máy ấp và cung cấp cho bà con tham gia mô hình. Bà con chăn thả vịt trong môi trường nước sạch tự nhiên nhưng cần khoanh vùng chăn nuôi để lưu giữ giống gốc và kiểm soát dịch bệnh. Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng được làm thường xuyên.
Trước thực tế giống vịt Cổ Lũng nức tiếng đang đứng trước nguy cơ mai một, Th.S Trương Tiến Hải, người con của địa phương, sau nhiều năm nghiên cứu, trải qua 4 thế hệ lai tạo, anh đã chọn lọc được bộ giống thuần ưng ý nhất. Anh Hải quyết định thuê đất triển khai mô hình trang trại chăn nuôi quy mô 4.000 m2 tại phố Thành Bắc, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa. Anh cho biết, quy trình từ lúc nuôi đến khi thu hoạch thành phẩm kéo dài 4 tháng, nếu dùng thức ăn công nghiệp, trọng lượng mỗi con có thể đạt đến 2,2 kg, áp dụng theo phương thức truyền thống cũng đạt trên 1,8 kg.
Với những kết quả đạt được, trong tương lai, giống vịt Cổ Lũng sẽ trở thành một thương hiệu không chỉ bó hẹp trong phạm vi địa phương.
Nguồn: nguoichannuoi,com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn