Luôn tâm niệm “sống tốt đời đẹp đạo” nên khi cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đồng bào giáo dân ở Cẩm Xuyên đã tích cực chung sức với phong trào, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Sau đây là ghi nhận tại giáo xứ Vạn Thành, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên.
Không có kiến thức, không có chuyên môn về bất cứ ngành nghề gì nên dù đã nhiều năm đi làm ăn ở nơi đất khách nhưng với công việc làm thuê nay đây mai đó, thu nhập của vợ chồng anh Trần Văn Bình và chị Nguyễn Thị Thanh là giáo dân xứ Vạn Thành ở thôn 5, xã Cẩm Thạch cũng chẳng đáng là bao. Vì vậy, năm 2004, anh chị đã quyết định về quê gây dựng cuộc sống. Lúc này chủ yếu là sống bằng 5 sào ruộng. Năm 2009 với sự ưu đãi của Nhà nước, anh chị đã được vay 30 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cẩm Xuyên để làm vốn mở ốt kinh doanh vật liệu xây dựng. Nhận thấy nhu cầu về mặt hàng này ở địa phương rất cao nên anh Bình, chị Thanh đã mua thêm máy đúc gạch để tạo việc làm cho anh em trong gia đình và tăng nguồn thu nhập. Cùng với đó, năm 2011 gia đình anh chị đã bỏ ra 400 triệu đồng mua xe vận tải 5 tấn để chuyên chở vật liệu xây dựng, trong đó có 250 triệu đồng được Ngân hàng cho vay không lấy lãi trong vòng 2 năm. Với sự chăm chỉ, cần cù của mình, mỗi tháng anh chị thu nhập được trên 20 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Thanh phấn khởi nói: “Đi làm ăn xa không khấm khá lên được mà lại phải xa gia đình, con cái. Vì vậy chúng tôi đã trở về địa phương. Được cấp trên tạo điều kiện và có định hướng cụ thể nên gia đình đã gắng hết sức, mở mang những nghề mà địa phương chưa có hoặc còn rất ít. Là địa bàn xa với trung tâm của huyện, nhu cầu xây dựng nhà cửa tăng cao do các cặp vợ chồng mới lập gia đình ra ở riêng nhiều nên việc kinh doanh vật liệu và đúc gạch rất phát triển”.
|
Mô hình làm mộc của giáo dân xứ Vạn Thành, Cẩm Thạch |
Giáo xứ Vạn Thành có 500 hộ dân với 2.300 nhân khẩu, chiếm 1/3 dân số toàn xã, sống ở 2 thôn 5 và 6 của xã Cẩm Thạch. Những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM với sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương giáo dân xứ Vạn Thành đã rất chủ động, cùng chung sức với phong trào. Một mặt đồng bào giáo dân ở đây đã tập trung chuyển đổi ruộng đất, đưa giống mới năng suất cao vào canh tác; mặt khác tăng cường mở mang phát trriển các ngành nghề như vật liệu xây dựng, nghề mộc, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, đã hình thành được trên 10 mô hình ngành nghề với thu nhập bình quân hàng năm từ 50 triệu đồng trở lên. Điều đáng nói là trong vụ sản xuất đông xuân 2011-2012, với diện tích 110 ha đất nông nghiệp, bà con giáo dân đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, đưa vào các loại giống mới như khang dân 18, HT1, HT6. Giống mới lại được đầu tư chăm sóc nên vụ sản xuất vừa qua, năng suất lúa của bà con vùng giáo đạt 50 tạ/ha, cao hơn hẳn so với năng suất của xã. Bằng sự cố gắng hết mình của từng giáo dân nên tỷ lệ hộ nghèo ở đây đã giảm nhanh đáng kể, từ 25% năm 2010 xuống còn 17% vào cuối năm 2011. Ông Trần Văn Hương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch cho biết thêm: “Thời gian qua thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đồng bào giáo dân xứ Vạn Thành của xã đã rất tích cực tham gia. Không chỉ góp công góp của xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn mà giáo dân đã thi đua phát triển kinh tế, thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, từ 7 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 lên 11 triệu đồng/người/năm. Từ đó góp phần tạo nên những khởi sắc mới trên mảnh đất của quê hương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM”.
Chung sức xây dựng NTM, những giáo dân ở xứ Vạn Thành, xã Cẩm Thạch không chỉ thể hiện được khát vọng kính chúa yêu nước mà quan trọng hơn nữa là từ những nỗ lực, những bước đi mạnh dạn của mình, đồng bào giáo dân nơi đây đã có cuộc sống đầy đủ, khấm khá hơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Tâm
Đài PTTH Hà Tĩnh