Đến nay, trên 90% đường giao thông tại Thanh Văn được bê tông hóa; giao thông nội đồng đảm bảo xe ô tô đến tận chân ruộng...
Với xã miền núi, giao thông là một trong những tiêu chí khó hoàn thành nhất. Bước vào xây dựng NTM, xã Thanh Văn đứng trước thách thức lớn khi chỉ có 1,3/42,9 km đường nhựa và bê tông. Thế nhưng, nhờ huy động sức dân, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, đến nay trên 90% các tuyến đường được bê tông hóa, rải nhựa.
Sau khi được UBND tỉnh Nghệ An cấp 2 nghìn tấn xi măng, UBND xã Thanh Văn đã vận động người dân góp cát sạn, ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Tổng kinh phí thực hiện tiêu chí giao thông trên 39 tỉ đồng, trong đó huy động từ người dân trên 30 tỷ đồng (77,5%).
Đến Thanh Văn đúng vào dịp thu hoạch xong lúa hè thu, điều dễ nhận thấy nhất khi đi trên những con đường làng là quang cảnh thoáng đãng của các khu dân cư, đường bê tông được làm tận ngõ nhà dân. Thanh Văn vẫn giữ được nét đặc trưng của những ngôi nhà cổ, khu dân cư được thiết kế theo mô hình ô bàn cờ…
Thành công nhất của Thanh Văn nằm ở công tác chuyển đổi ruộng đất (CĐRĐ). Mặc dù trước đó, việc tuyên truyền để thay đổi tư duy sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước chuyển đổi, bình quân mỗi hộ sản xuất trên 8 ruộng nhưng nay, số thửa/hộ chỉ còn 2,3 thửa. Một số hộ đã tích tụ được ruộng đất, mở trang trại, sản xuất lớn.
Ông Nguyễn Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn cho biết: “Trước khi chuyển đổi, ruộng đất của Thanh Văn rất manh mún, chỉ có bờ thửa, ít bờ vùng, bình quân số thửa/hộ cao khiến việc sản xuất, thu hoạch của người dân gặp rất nhiều khó khăn. CĐRĐ ở Thanh Văn thực sự là một cuộc cách mạng, đã thành công mỹ mãn.
Trước đó, nhiều hộ dân phản đối vì vẫn giữ quan điểm phải chia đều ruộng đất, chỗ tốt, chỗ xấu đều có, phải công bằng. Thay đổi quan điểm của người dân thực sự rất khó khăn nhưng chúng tôi đã triển khai quyết liệt.
Đến nay nhận thức của nhân dân đã dần chuyển biến, toàn dân đồng thuận hiến 60 m2 đất/khẩu theo Nghị định 64 để mở rộng giao thông nội đồng. Kết quả đã có trên 30 ha đất nông nghiệp được nhân dân hiến để đắp bờ vùng bờ thửa. Nếu trước người dân phải gánh lúa từ ruộng lên bờ rất xa thì nay, 2 ô tô chở lúa có thể tránh nhau được trên đường nội đồng”.
Ông Đinh Hữu Tuất, một trong những nông dân sản xuất giỏi tại Thanh Văn
Chuyển đổi thành công, hình ảnh những máy cày loại lớn, máy gặt đập liên hợp đã trở nên quen thuộc từ 2-3 năm nay, năng suất lúa và các loại cây trồng đã tăng lên đáng kể. Từ năm 2013, những cánh đồng thẳng cánh cò bay của Thanh Văn đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến hợp tác sản xuất một số mặt hàng như lúa giống, rau màu hàng hóa, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người ở Thanh Văn, đạt 22,5 triệu đồng/người/năm (2015); tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 3,82%.
Ông Đinh Hữu Tuất, một trong những hộ sản xuất giỏi của xã Thanh Văn phấn khởi: “Nhờ CĐRĐ, gia đình tôi mới tích tụ được trên 2 ha đất để thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp, mang lại lãi ròng trên 500 triệu đồng/năm.
Trước đây, đến vụ mùa sẽ thấy vô số những xe bò lốp, trâu lốp chở lúa từ đồng về nhà, trâu bò cày bừa trên đồng ruộng nhưng nay hầu hết những công việc trên được cơ giới hóa. Trâu bò chủ yếu được nuôi theo hướng hàng hóa, cung cấp bò thịt cho thị trường”.
Theo Văn Dũng/nongnghiep.vn