Học nghề hàn ở Trường Cao đẳng nghề Hà Tĩnh trước khi đi xuất khẩu lao động. |
Nhiều địa phương thuộc vùng biển ngang khó khăn ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh… có hàng nghìn lượt lao động/xã đang làm việc ở nước ngoài. Có nhiều gia đình có cả chục lao động (kể cả con, cháu, dâu, rể) cũng đang làm việc ở nước ngoài…Việc XKLĐ ở các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đang là một trong những giải pháp thoát nghèo hữu hiệu.
Hàng năm, số lao động này gửi về nước một lượng ngoại tệ đáng kể để giúp thân nhân gia đình xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; đồng thời, hỗ trợ vốn cho người nhà đi xuất khẩu lao động.
Phó chủ tịch xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) Từ Đức Bé cho biết: Hiện toàn xã có đến 653 lượt người trên tổng số hơn 2000 hộ dân, đó là chưa kể đến một bộ phận không nhỏ những người xuất khẩu lao động qua các hình thức du lịch, thăm viếng người thân. Với mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 10 - 15 triệu đồng/ tháng, hàng năm XKLĐ đóng góp từ 50 - 60 % vào tổng thu nhập toàn xã.
Tuy nhiên, số lượng lao động đi làm việc nước ngoài ở Hà Tĩnh có chiều hướng giảm sút, do tình trạng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc gia tăng. Phía Hàn Quốc đang xem xét giảm hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó có Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện cho biết: Các địa phương, ngành chức năng của Hà Tĩnh đang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và quản lý lao động; kiểm tra năng lực của các doanh nghiệp XKLĐ trên địa bàn; phối hợp với các trường nghề để dạy nghề, tiếng nước ngoài cho lao động… nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ. Đồng thời, triển khai một số giải pháp mạnh để tránh tình trạng lao động bỏ trốn ở nước ngoài.
THÀNH CHÂU
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn