Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển tài sản trí tuệ
Ứng dụng công nghệ sinh học được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ý thức rõ điều này, những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện thành công mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa ven biển; xác định được một số giống mới thích ứng và có hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công đó, huyện Thạch Hà tiếp tục phối hợp trồng thử nghiệm cây ăn quả như: ổi Đài Loan, hồng xiêm, xoài, na... trên vùng đất cát ven biển tại xã Thạch Văn; khảo nghiệm giống cây chùm ngây, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa cây trồng của vùng.
Ngành KH&CN Hà Tĩnh tiếp tục tìm các giải pháp để phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2016, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh tăng cường áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, quy trình sản xuất hiện đại vào chăn nuôi lợn, bò thịt chất lượng cao, nuôi tôm, cá lồng bè trên sông. Mặt khác, ngành chỉ đạo các đơn vị liên quan hình thành các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm hạt nhân lan tỏa; ưu tiên công tác giống nhằm tăng năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, đồng nhất về chất lượng.
Cùng với nông nghiệp hữu cơ, phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng nhãn mác, thương hiệu cho sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản của địa phương cũng được chú trọng. Hiện tại, UBND tỉnh đã ban hành đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Hà Tĩnh thông qua việc hỗ trợ, tạo lập quản lý, bảo vệ phát triển tài sản trí tuệ. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản, làng nghề, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu và dịch vụ gắn với quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh.
Thực tế cho thấy, sau khi xây dựng nhãn hiệu, bưởi Phúc Trạch (Hương Khê), nhung hươu Hương Sơn ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Do đó, nhiều sản phẩm nông, thủy sản của địa phương như: cam Thượng Lộc (Can Lộc), mực Thạch Kim (Lộc Hà)… đang được Sở KH&CN tiến hành thiết kế nhãn mác, logo, từng bước xây dựng thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, sở hướng dẫn các địa phương xây dựng các hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp… đào tạo kỹ thuật phát triển các nhãn hiệu, dần hình thành các thương hiệu mạnh.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định “ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển KH&CN, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện” là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh. Để thực hiện các nhiệm vụ đó, ngành KH&CN đang tập trung triển khai nội dung các đề án, chương trình, kế hoạch được UBND tỉnh giao.
Từ đó, Sở KH&CN đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương, trong đó, tập trung nghiên cứu, triển khai những vấn đề cấp thiết của tỉnh như: phát triển doanh nghiệp, thị trường KH&CN để làm cầu nối ươm tạo, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh hiện tại, cần có các tổ chức đủ năng lực để đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào đời sống. Hiện, sở đang gấp rút hình thành sàn giao dịch, xây dựng thị trường KH&CN để doanh nghiệp, người dân mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, sản phẩm.
Trước mắt, ngành khoa học phối hợp xây dựng một số công ty con thuộc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) và một số đơn vị đã chuyển đổi hoạt động theo hình thức tự chủ trở thành doanh nghiệp KH&CN, tuyên truyền để các đơn vị tăng cường đổi mới công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp thành lập, sử dụng hiệu quả quỹ phát triển KH&CN.
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn