Đoàn xã Gia Hanh tổ chức sản xuất trên “Vườn mẫu thanh niên” |
Xác định mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn, Nguyễn Trọng Giáp – Bí thư Chi đoàn xóm 4, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê đã tiếp cận, bám sát chương trình phối hợp giữa Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và Công ty TNHH Hoàng Long về việc xây dựng mô hình liên kết trong chăn nuôi giai đoạn 2013 – 2015 để xây dựng mô hình chăn nuôi gà tập trung với quy mô ban đầu thả nuôi 1.300 con. Đây là mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, kết nối tiêu thụ đầu ra sản phẩm; gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo môi trường sinh thái bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Tham quan mô hình kinh tế trang trại của anh, ít ai có thể hình dung được người chủ trang trại này chỉ mới gần 30 tuổi. Anh sinh ra và lớn lên ở xã miền núi thuần túy về sản xuất nông nghiệp, thời tiết diễn biến bất thường, lũ lụt kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức sản xuất. Song, nhiệt huyết của tuổi trẻ thôi thúc anh tìm hướng đi mới cho ĐVTN xã nhà trên con đường phát triển kinh tế. Hiện tại, mô hình của anh đang trong giai đoạn tiến triển tốt, giải quyết việc làm ổn định cho 3 thanh niên với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng.
Trên tổng diện tích đất 1,4 ha, thanh niên Nguyễn Văn Hiệu, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên đã tập hợp một số bạn trẻ trong xã cùng chí hướng, đột phá thực hiện dự án chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn. Với điều kiện đất đai và các nguồn lực hiện có, mô hình chăn nuôi đã quy hoạch xây dựng hệ thống chuồng trại đạt tiêu chuẩn, trước mắt, đã hoàn thành một hệ thống chuồng trại, thả nuôi 500 con lợn thịt và sẽ tăng số lượng lên đến 1.000 con; đồng thời cải tạo ao hồ nuôi cá nước ngọt để nuôi các loại các trắm, cá mè, cá chép… nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải từ chuồng trại chăn nuôi lợn.
Đồng hành cùng anh trên con đường lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với các cán bộ chuyên môn tiến hành khảo sát, hướng dẫn cách thức xây dựng, triển khai và thực hiện; đồng thời, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã quyết định duyệt vay 100 triệu đồng từ nguồn GQVL kênh trung ương Đoàn.
Bí thư Đoàn xã Hồng Lộc Mai Văn Đức - Chủ mô hình kinh tế thanh niên - bên đàn bò nuôi sinh sản |
Người thủ lĩnh thanh niên xã Hồng Lộc là Mai Văn Đức với cách làm chủ động, sáng tạo đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp trên vùng đất có diện tích 4 ha là nơi chăn thả 20 con bò laisind, 200 con gà, 150 con vịt, 200 con ngan, 4 con lợn rừng, 30 cặp bồ câu Pháp. Theo ước tính ban đầu, hiệu quả kinh tế của mô hình sẽ cho thu nhập hàng năm từ 300 – 450 triệu đồng, góp phần tạo thu nhập ổn định cho 6 lao động với thu nhập bình quân tháng từ 2,0 – 2,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài những mô hình chăn nuôi thì mô hình phát triển kinh tế vườn theo phương thức “năng nhặt, chặt bị” cũng đang được nhiều thanh niên ở khu vực nông thôn thực hiện. Tiêu biểu trong đó, Đoàn xã Gia Hanh trong tháng Thanh niên năm 2013 đã khởi công mở rộng quy mô vườn mẫu thanh niên của đơn vị mình. Với diện tích gần 3 ha, do đoàn viên Nguyễn Xuân Quát trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động sản xuất; đến nay đã khẳng định hiệu quả và đang mở rộng sản xuất theo hướng “sản xuất – chăn nuôi tổng hợp” để tận dụng nguồn nguyên liệu, phế thải theo hình thức khép kín nhằm nâng cao thu nhập.
Những mô hình và cách làm kinh tế đa dạng của thanh niên trên các lĩnh vực, vùng miền trong toàn tỉnh đã khẳng định thêm tiềm năng, thế mạnh của tuổi trẻ. Những mô hình đó không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà giúp thanh niên hiểu rõ không phải chỉ có những người được học hành qua các trường Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học mới có thể lập nghiệp. Với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đến tận người dân cùng với phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” của tổ chức Đoàn các cấp, thanh niên Hà Tĩnh hoàn toàn có thể khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình.
Hồng Thủy
Tỉnh đoàn Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn