Ngày 18/3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo, xác định rõ mục tiêu ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Bùi Đắc Thế: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là vấn đề tất yếu của ngành nông nghiệp và phải để công nghệ thông tin hiện hữu trong từng công đoạn của ngành nông nghiệp. |
Những năm gần đây, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế tại Hà Tĩnh như: Áp dụng công nghệ lai tạo bò chuyên thịt; nuôi tôm trên cát, trong nhà bạt; nuôi lợn thịt siêu nạc... Nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp sản xuất có công nghệ tiên tiến ra đời, góp phần hạn chế rủi ro trên thị trường.
Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm VNPT Check.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo tính bền vững, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế như: Vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng; tập quán sản xuất truyền thống gây khó khăn cho việc hình thành vùng sản xuất quy mô lớn; sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn ít, quy mô nhỏ lẻ, mức độ đầu tư hạn chế, chưa có kết hợp nhiều công nghệ khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm,...
PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả: Nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp. |
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Huy Trọng: Hiện nay, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chỉ mới dừng lại ở mô hình nhỏ lẻ. Vì thế, cần phải tạo sự liên kết trong sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm hàng hóa |
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải phù hợp với đặc thù từng vùng |
Tại hội thảo, các sở ngành cũng đã đưa ra giải pháp nhằm phát triển bền vững, hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới. Đó là phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tiếp cận và sử dụng các loại máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất, sơ chế sản phẩm và chế biến nông sản; tiếp tục ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển nông nghiệp như công nghệ nhà kính, thủy canh, tự động hóa, công nghệ robot và nano; quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành, địa phương khác.
Theo Ngọc Loan/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn