Để nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng hàng hóa UBND huyện Can Lộc đã ban hành quyết định về các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực cấp huyện, từ đó ưu tiên các nguồn lực cho sản xuất quy mô lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chính sách hỗ trợ chăn nuôi hươu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Nghề chăn nuôi hươu được du nhập vào huyện Can Lộc từ những năm 2000 với tổng số đàn hươu toàn huyện chỉ chưa đầy 20 con. Qua thời gian nuôi thử nghiệm cho thấy triển vọng kinh tế từ nghề này, năm 2009, UBND huyện Can Lộc đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 525 về phát triển chăn nuôi hươu giai đoạn 2009-2015; đi kèm đó là cơ chế, chính sách hỗ trợ. Các chính sách đó đã tạo “cú hích” để các Đề án phát triển sản xuất đi vào hiện thực, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân, nhiều mô hình chăn nuôi hươu sao tập trung quy mô 15-20 con cho hiệu quả cao... Đến nay, toàn huyện đã có 21/22 xã, thị trấn có hộ tham gia nuôi hươu, với tổng đàn gần 1.000 con. Các xã điển hình là: Thượng Lộc Mỹ Lộc, Phú Lộc, Nhân Lộc, Thượng Lộc, Nhân Lộc… Một số hộ nuôi từ 4 – 17 con như: ông Hoàng Bá Tứ, Trần Văn Quý, Phan Thị Hùng ở xã Mỹ Lộc, Nguyễn Huy Nhân, Lê Hữu Đường ở Thượng Lộc, Nguyễn Xuân Thái ở Thường Nga, Bùi Quốc Đông, Trần Thanh Long ở Vĩnh Lộc…
Chăn nuôi hươu sao giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Can Lộc
xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên quê hương mình
Thượng Lộc là một xã miền núi, nằm phía Tây của huyện Can Lộc, hàng năm nơi đây chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của hạn hạn, lũ lụt. Để giúp người dân khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển chăn nuôi hươu sao, ngoài kinh phí hỗ trợ của huyện, UBND xã đã trích ngân sách hỗ trợ cho các hộ dân chăn nuôi hươu, với mức hỗ trợ 700 ngàn đồng/con, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi…đặc biệt từ nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất của Quyết định 26 đã có nhiều hộ tích cực tham. Đến nay toàn xã đã có trên 20 hộ chăn hươu với quy mô từ 5-20 con, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Huy Nhân, xóm Anh Hùng xã Thường Nga, quy mô 18 con; lợi nhuận từ 80-90 triệu đồng/năm từ tiền bán hươu giống và nhung hươu.
Ông Nguyễn Viết Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: "Trong thời gian tới, Thượng Lộc tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng NTM, ưu tiêu các mô hình phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương gắn với vùng quy hoạch đã được UBND huyện phê duyệt, hình thành các trang trại và tổ hợp sản xuất ở nông thôn, đào tạo gắn với chuyển đổi nghề cho người dân nhằm nâng cao thu nhập bền vững cho người dân”.
Nghề nuôi hươu đã và đang phát triển mạnh ở Can Lộc, giúp nhiều gia đình xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, thu nhập mỗi hộ từ hàng chục đến trăm triệu đồng/năm. Mô hình chăn nuôi hươu giúp các xã trên địa bàn huyện khai thác tiềm năng lợi thế, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM./.
Ngô Thắng
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh