08:41 EST Thứ sáu, 22/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Hoạt động các địa phương


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nam Trà - “miền quê đáng sống”

Thứ hai - 02/10/2017 23:58
Trong khi nhiều vùng nông thôn đi theo xu hướng “bê tông hóa” thì tại một vùng quê nhỏ của Hà Tĩnh, những người dân nơi đây lại đang thi đua trồng hàng rào tranh song hành với việc phát triển mô hình vườn hộ, biến ngôi làng của mình thành một “viên ngọc xanh” với những hàng cây thẳng tắp chạy quanh làng… Những việc làm tưởng chừng đơn giản ấy của những người dân nơi đây đang khiến ngôi làng dần trở thành một “miền quê đáng sống”.

Cả làng làm hàng rào bằng cây

“Miền quê đáng sống” ấy là thôn Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Bí thư thôn Đinh Phúc Tâm cho biết, thôn đã đón khoảng 400 đoàn khách tới tham quan và học tập. Bí thư Tâm nhớ lại, Nam Trà bắt đầu vận động dân làng phá bỏ hàng rào bê tông từ năm 2013 để trồng hàng rào bằng cây, tỉa thấp để tạo phong cảnh. Ban đầu, cũng có những gia đình chưa đồng thuận. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, đến nay, các gia đình đều tự nguyện và đua nhau cùng làm hàng rào cây. Hiện cả thôn đã có tới 15 nghìn mét hàng rào cây chạy quanh các xóm. Bí thư Đinh Phúc Tâm cũng chia sẻ, để có được con số ấn tượng trên, người dân trong thôn đã cùng thống nhất các gia đình tự chăm sóc phần hàng rào của mình và cắt tỉa định kỳ hàng tuần để tất cả các hàng rào trong làng đều có chiều cao và hình dáng như nhau.

Bà Nguyền Thị Hiền ở Nam Trà cho biết, gia đình đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng mua cây giống để trồng hàng rào. Đến thứ 7 là gia đình bà và các gia đình của thôn lại cùng cắt tỉa hàng rào theo quy ước chung. Sau hơn 3 năm, gia đình bà đã được thôn nghiệm thu đạt chuẩn và được hỗ trợ 2,5 triệu đồng. Bà Hiền cho biết, đây là số tiền không lớn nhưng là nguồn động viên khích lệ rất lớn. Và điều quan trọng hơn, khi triển khai làm hàng rào bằng cây, bà Hiền và các hộ gia đình khác đều nhận thấy ngôi làng trở nên thơ mộng và đáng yêu hơn rất nhiều.

  Ảnh: Hoàng Phương

Bí thư Đinh Phúc Tâm cho biết, mặc dù các gia đình đều làm hàng rào rất thấp và có nhiều gia đình không có cổng, nhưng 10 năm nay ở Nam Trà chưa có gia đình nào bị mất trộm một đồ vật dù là nhỏ. “Bí quyết” an toàn trong điều kiện đó của Nam Trà vào buổi tối là lắp đèn điện chiếu sáng khắp các ngõ xóm. Đèn điện cũng là do các gia đình tự trang bị.

Bên cạnh việc cùng thống nhất làm hàng rào, lắp đèn chiếu sáng thì Nam Trà còn thống nhất được cả những điều ít người nghĩ tới. Bí thư Đinh Phúc Tâm cho biết, thôn đã thống nhất được cách để dép cùng quay ra ngoài ra sao, cách treo quần áo gọn gàng như thế nào, cách để củi bé ở đâu và củi to ở đâu…

Đúng như những gì Bí thư Đinh Phúc Tâm và những người dân chia sẻ, đi khắp những con đường trong thôn đều không thấy cọng rác nào, nhà cửa các gia đình đều ngăn nắp, sạch sẽ…

 Không chỉ “xanh” mà còn hướng đến khấm khá

Không phải tự nhiên Nam Trà thực hiện đươc những điều kể trên. Nam Trà đã thực hiện chủ trương xây dựng thôn trở thành một khu dân cư kiểu mẫu theo phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh. Bên cạnh việc đưa ngôi làng của mình trở thành “kiểu mẫu” về hình ảnh, Nam Trà còn quyết liệt xây dựng các mô hình vườn hộ kiểu mẫu, tạo thu nhập cho các hộ dân.

Ông Phan Thanh Trường - một chủ mô hình kinh tế vườn hộ cho biết, ban đầu, gia đình thực hiện theo chủ trương của thôn quy hoạch lại vườn để bảo đảm các yếu tố xanh, sạch, đẹp, đáp ứng tiêu chí chung của khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, sau đó, khi quy hoạch lại, gia đình đã quyết định phát triển kinh tế trong chính phần đất vườn của mình. Đến nay, toàn bộ phần đất vườn 1,5ha của gia đình ông Trường được trồng các loại cây ăn trái như cam, bưởi… Sản phẩm từ vườn của gia đình ông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Khu vườn của ông Trường luôn là điểm đến của các đoàn khi đến tham quan học tập tại Nam Trà.

Cách nhà ông Trường không xa, hộ gia đình bà Phan Thị Nhiên lại quy hoạch phần vườn 1,2ha của mình để trồng chè và cam kết hợp chăn nuôi. Bà Nhiên cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động để nâng cao hiệu quả. Mô hình này cũng cho thu nhập rất cao và được nhiều gia đình khác học tập.

Sau 4 năm triển khai xây dựng, khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà đã có tới 20 vườn mẫu, trong đó có 7 vườn mẫu cấp tỉnh (thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm); 13 vườn mẫu cấp huyện (thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm trở lên).

Chia sẻ về “bí quyết” thành công của Nam Trà, Bí thư Đinh Phúc Tâm cho biết, trong quá trình thực hiện, các cá nhân là Đảng viên, tổ trưởng, đứng đầu các đoàn thể trong thôn phải gương mẫu thực hiện; gương mẫu hiến đất, hiến cây khi giải tỏa để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội làm đẹp đường làng, ngõ xóm; từ đó từng bước vận động nhân dân đồng tình ủng hộ.

Từ một miền quê nghèo, các hộ gia đình chủ yếu để trống đất vườn hoặc vườn tạp không có hiệu quả kinh tế, chỉ sau vài năm, Nam Trà đã trở thành một điểm sáng đáng học tập và trở thành một miền quê đáng sống. 

Theo Hoàng Phương/daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 188


Hôm nayHôm nay : 48535

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 963094

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71190409