Từng là người lính chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào, năm 1982 ông Trần Minh Nguyệt ở thôn Lạc Xuân xã Kỳ Lạc xuất ngũ trở về địa phương mang trong mình thương tật 4/4. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Nguyệt đã cùng vợ con khai hoang để phát triển sản xuất. Ngày ngày lên rừng phát rẫy để trồng keo tràm, và cây hồ tiêu- đây là loại cây có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng ở vùng núi cao Kỳ Lạc. Buổi đầu cũng không ít khó khăn, thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thụât, ông đã tự tìm tòi học hỏi áp dụng vào thực tế để trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, tăng nguồn vốn lấy ngắn nuôi dài. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay trang trại của thương binh Nguyễn Văn Nguyệt đã có 3 ha tràm đang đến kỳ thu hoạch, 1.000 gốc tiêu cùng các loại cây ăn quả cam bưởi, chuối. Thu nhập gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vườn cây của thương binh Trần Minh Nguyệt Cũng giống như nhiều CCB- thương bệnh binh khác, rời quân ngũ trở về địa phương, thương binh Nguyễn Tiến An ở thôn Lạc Trung phải bước vào cuộc sống với bao lo toan bộn bề thường nhật. Từ chỗ có hai bàn tay trắng, ông đã mạnh dạn hăng say lao động, làm giàu từ kinh tế vườn đồi nhà mình bằng các loại cây keo tràm, hồ tiêu, chuối, cam và nhãn lồng. Chăn nuôi trâu bò, lợn gà. Nhờ vậy, cả 5 đứa con của gia đình ông đều được học hành thành đạt và có việc làm ổn định.
Thương binh Nguyễn Tiến An Sau khi đất nước thống nhất, thương binh Nguyễn Xuân Đường ở thôn Lạc Thanh xã kỳ Lạc trở về quê hương với thương tật 3/4. Nhưng với bản chất của anh lính cụ Hồ luôn xung kích dù ở mặt trận nào. Đầu những năm 1980 cuộc sống của nhân dân ở xã miền núi Kỳ Lạc hết sức khó khăn. Vượt lên từ gian khó, ông đã cùng vợ con khai hoang mở đất để trồng các loại cây công nghiệp và chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài trồng các loại cây bản địa như keo tràm, hồ tiêu, thông, mây tắt… Gia đình ông đã mạnh dạn đưa vào trồng 1ha gió trầm với hơn 600 cây hiện đã đến thời kỳ thu hoạch. Qua những năm tháng lao động vất vả, bây giờ ông Nguyễn Xuân Đường được coi là ông chủ trang trại giàu có nhất vùng với 20 ha tràm, 5 ha thông cùng trầm gió, tiêu và cây ăn quả các loại. Thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đi trong vườn keo tràm trầm gió xanh mát, ít ai nghĩ rằng trước đây chính là vùng đất khô cằn chỉ toàn cây hoang dại. Nhưng nhờ bàn tay lao động cần cù, chịu khó của người thương binh này đã biến đồi hoang trở thành “Vàng”.
Là xã miền núi, nơi có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng vườn đồi, nên hầu hết cựu chiến binh, thương bệnh binh ở đây đều đầu tư vào trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi để tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Lê Văn Đinh- chủ tịch hội cựu chiến xã Kỳ Lạc cho biết: Qua những mô hình làm kinh tế giỏi như thế này, hội cựu chiến binh đã nhân ra diện rộng trong hội viên cựu chiến binh và thương bệnh binh nói riêng, đồng thời có sức lan toả rộng rãi trong mọi người dân ở địa phương. Qua đó góp phần đưa xã miền núi kỳ Lạc ngày càng phát triển bền vững.
Những tấm gương cựu chiến binh, thương binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xã miền núi Kỳ Lạc, mỗi người đều có cách nghĩ, cách làm khác nhau. Song ở họ đều hướng đến một mục tiêu chung đó là: xoá đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho gia đình và xã hội. Những thành quả to lớn ấy đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội và công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.