Đưa vào sản xuất từ mấy năm trước nhưng phải đến vụ đông xuân 2011-2012, giống lúa ngắn ngày (thuộc trà xuân muộn) mới bắt đầu nổi trội. Để thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, Huyện ủy Can Lộc đã kịp thời ban hành nghị quyết, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở vào cuộc ngay từ đầu. Tất cả quy trình được thực hiện nghiêm túc từ khâu chỉ đạo sản xuất, nghiệm thu đến kiểm điểm, xử lý cán bộ, đảng viên tại cơ sở. BTV Huyện ủy đã tuyên truyền nghị quyết một cách sâu rộng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về việc từ bỏ giống IR1820 và những tập quán sản xuất cũ. Từ cán bộ thôn xóm đến chính quyền địa phương phải thay nhau bám trụ từng cánh đồng, mỗi chân ruộng… Vụ đông xuân 2011-2012 thắng lợi với sản lượng lương thực tăng 4.954 tấn so với vụ trước là kết quả của việc chỉ đạo quyết liệt nhằm bỏ trà xuân sớm, thay bằng trà xuân muộn.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt, góp phần tạo nên cuộc “cách mạng” về chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp ở Can Lộc. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở vẫn thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; còn lúng túng, bị động trong chọn bộ giống, cung ứng giống, có quá nhiều giống lúa ở các địa phương. Đặc biệt là việc một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn bảo thủ, chưa chịu khó… Bước sang vụ xuân năm 2013, BTV Huyện ủy Can Lộc tiếp tục ban hành Chỉ thị 19-CT/HU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2013. Tuy nhiên, khi triển khai ở một số xã, thị trấn, dù cán bộ cơ sở đã bám sát từng hộ dân để tuyên truyền, vận động nhưng trong thời điểm đó, không ít diện tích IR1820 vẫn được gieo thẳng. Xuân Lộc, Quang Lộc là những xã có diện tích IR1820 nhiều nhất. Hàng chục cuộc họp từ xã xuống tận thôn xóm; các đoàn công tác đã kiên trì đến tận hộ vận động nhưng kết quả chỉ có 57% hộ dân ký cam kết không sản xuất trà xuân sớm. Nhiều biện pháp khác tiếp tục được áp dụng nhưng vẫn còn nhiều cánh đồng được làm đất kỹ lưỡng để gieo thẳng. Tính cả diện tích mạ và lúa đã gieo, trà xuân sớm ở Quang Lộc thời điểm đó chiếm từ 23-25% tổng diện tích. Đáng phê bình nhất là Xuân Lộc khi có đến 50% diện tích trà xuân sớm (IR1820) và 10% trà xuân trung được gieo cấy. Có đến 45 đảng viên trong xã không tuân thủ triển khai gieo trồng các giống lúa mới.
Trước tình hình đó, BTV Huyện ủy Can Lộc đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 19-CT/HU tại các đảng bộ: Xuân Lộc, Trung Lộc, Tiến Lộc và thị trấn Nghèn nhằm đánh giá việc thực hiện chỉ thị; tìm nguyên nhân, hạn chế; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Ngay sau kiểm tra, BTV Huyện ủy Can Lộc đã xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách đối với tập thể BCH Đảng bộ Xuân Lộc. Riêng 2 đồng chí bí thư, chủ tịch xã phải nhận mức kỷ luật tương tự khi thiếu kiểm tra, nắm tình hình; chưa quyết liệt, chưa đề ra các giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo sản xuất…
Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Can Lộc - Đặng Viết Tiến cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy, việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là người đứng đầu ở những địa phương này chưa thật sự đầy đủ. Tăng cường kiểm tra, giám sát khâu tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhất là việc thực hiện những khâu đột phá, phát triển KT-XH là điều hết sức cần thiết”.
Rõ ràng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở Can Lộc đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi giống lúa phù hợp, cho năng suất cao, hạn chế sâu bệnh… Và kết quả là, vụ hè thu 2013, mặc dù có nhiều biến cố về thời tiết, sâu bệnh nhưng Can Lộc vẫn được mùa toàn diện. Năng suất bình quân vụ sản xuất này đạt 47 tạ/ha (toàn tỉnh đạt 41,63 tạ/ha), đứng đầu toàn tỉnh về năng suất lúa hè thu 2013.
Quang Linh
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn