Cơ sở trồng hoa của chị Đậu Thị Hoa (thôn Thanh Tiến, xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh) cho thu nhập cao.Ảnh: Văn Bảy |
Đây là năm thứ 2, gia đình anh Nguyễn Văn Thiết (xóm 4, xã Thạch Môn) tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu. Theo anh Thiết, sau khi hoàn thành việc chuyển đổi đất nông nghiệp, gia đình anh và các hộ sản xuất khác có điều kiện tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp của thành phố, vụ sản xuất năm nay, gia đình anh tiếp tục gieo cấy 3 sào lúa xuân tại khu vực cánh đồng mẫu (CĐM) 14 ha của xã.
Anh cho biết, nếu địa phương mở rộng quy mô, số lượng các CĐM, vụ sản xuất tiếp theo gia đình sẽ tiên phong tham gia canh tác tại các CĐM khác. “Thực tế canh tác ở mô hình CĐM cho thấy, nếu chỉ gieo cấy 1 giống lúa trên diện tích lớn, người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, nên hiệu quả kinh tế bao giờ cũng cao hơn phương thức canh tác nhỏ lẻ (năng suất bình quân cao hơn, được cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 10%...). Ngoài ra, người nông dân từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác, tiếp cận với sản xuất hàng hóa theo hướng gia tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị sản xuất” - anh Thiết chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Môn - Nguyễn Xuân Quang, tính đến thời điểm này, Thạch Môn đã cơ bản hoàn thành toàn bộ diện tích gieo cấy (lúa 165 ha, trong đó 14 ha CĐM). Đối với 60 ha lạc và dưa hấu, bà con hiện đã chuẩn bị sẵn sàng, chờ thời tiết thuận lợi là tiến hành gieo trỉa. Nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết, vụ xuân 2014, xã Thạch Môn không cơ cấu trà xuân sớm, chỉ đạo giảm dần trà xuân trung và tăng diện tích xuân muộn với các giống theo định hướng của thành phố và phù hợp với điều kiện của địa phương. Xã chỉ bố trí từ 1 - 2 giống cùng trà trên một cánh đồng.
Điều đáng ghi nhận, mặc dù số diện tích mạ hư hại do đợt rét đậm trong tết khá lớn, nhưng TP Hà Tĩnh đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ, đôn đốc bà con bổ cứu sản xuất nên ngay sau Tết Nguyên đán, người dân đã có đủ mạ để cấy kịp thời vụ. Cùng với tranh thủ thời tiết để xuống đồng, bà con nhân dân các xã, phường trên địa bàn đã ra quân làm giao thông nông thôn, đắp bờ giữ nước, nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất.
Phó phòng Kinh tế thành phố - Đào Thị Liên cho biết thêm, vụ xuân 2014, TP Hà Tĩnh phấn đấu gieo trồng 1.815 ha. Trong đó, lúa 1.350 ha, lạc 365 ha và 100 ha rau màu các loại. Dựa vào kết quả sản xuất vụ trước, năm nay, thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, cơ cấu giống hợp lý, phương thức canh tác phù hợp, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ cấu đồng nhất về giống trên cùng một vùng, một diện tích canh tác tại 5 CĐM sản xuất lúa với diện tích 84 ha và 1 mô hình CĐM sản xuất lạc 7,5 ha ở Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Trung, Thạch Bình và Thạch Hưng.
Ngoài ra, để đảm bảo sản xuất thắng lợi, thành phố chỉ đạo các địa phương tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, trong đó tập trung vào các giải pháp phòng, chống rét ở vụ xuân, kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hợp lý, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời, rà soát, quy hoạch theo hướng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ nông nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Thế Dũng khẳng định, muốn tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM thành công, trước hết phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Đối với vụ sản xuất năm 2014, thành phố xác định tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, lấy giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích là tư tưởng chỉ đạo; ưu tiên sản xuất một số loại cây trồng có lợi thế, thị trường tiêu thụ ổn định; phát triển sản phẩm chủ lực trồng trọt gắn với xây dựng CĐM, xóa bỏ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, công nghiệp hóa ngành chăn nuôi, tạo tiền đề vững chắc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa; phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương theo hướng liên kết hóa - doanh nghiệp hóa - xã hội hóa các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, TP Hà Tĩnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người nông dân xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn như: nuôi cá lồng bè, gà đẻ siêu trứng, cá chim vây trắng, cá diêu hồng… Đồng thời, tiếp tục xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội.
Ngô Tuấn
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn