Hai cụ Trần Văn Sơn và Dương Thị Kền tại thôn Thống Nhất xã Xuân Phổ
Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng cụ Sơn rộng chừng 30m2 nằm cạnh hạ lưu dòng sông Lam. Trong nhà không có vật dụng gì quý giá, nhưng mọi thứ đồ đạc rất ngăn nắp, gọn gàng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng hai cụ đều còn rất minh mẫn và đặc biệt là sự cởi mở trong tiếp khách. Năm 1949, cụ Sơn tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đến năm 1964, xuất ngũ trở về địa phương rồi lập gia đình. Hai vợ chồng sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái). Gia đình đông con nên cuộc sống rất vất vả. Con cái đến tuổi trưởng thành, lập gia đình ở xa. Hoàn cảnh con cái cũng vất vả nên vợ chồng cụ không nhờ vả được gì nhiều.
Trong đợt rà soát hộ nghèo vừa qua, vợ chồng cụ Sơn tiếp tục nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương nhưng vợ chồng cụ đã bàn nhau rút khỏi hộ nghèo để nhường cho những người khác. Cụ Trần Văn Sơn bộc bạch “Những năm qua, gia đình vợ chồng tôi được xét thuộc diện hộ nghèo, được Đảng và Nhà nước ưu tiên các chính sách. Đến nay, bản thân tôi cảm thấy bệnh tình cũng có phần thuyên giảm, hoàn cảnh gia đình đã đỡ hơn, con cái cũng đã trưởng thành và đều nhận trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ nên tôi thấy cũng yên tâm. Cho nên, tôi đã bàn bạc với vợ con xin rút ra khỏi hộ nghèo. Cho dù hoàn cảnh hiện nay, đang còn nhiều khó khăn nhưng với việc làm này tôi hi vọng mình đã làm một việc tốt cho mọi người dân nơi đây, nhất là dành suất hộ nghèo cho những người còn có hoàn cảnh éo le hơn mình”.
Lãnh đạo chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên các cụ
Khi cụ Sơn viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, nhiều người đã khuyên can vì cho rằng hai cụ tuổi đã cao, kinh tế lại chẳng có gì, trong khi cụ Kiền đau ốm lại thường xuyên đi bệnh viện nên cứ để vậy mà hưởng trợ cấp của Nhà nước. Thế nhưng, vợ chồng cụ Sơn vẫn không thay đổi ý định, bởi sâu thẳm trong suy nghĩ của hai người cho rằng mình không nên tham lam, không nên sống trông chờ và ỷ lại nữa.
Theo thống kê của xã Xuân Phổ tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã có 58 hộ nghèo (chiếm 4,7% tổng số hộ dân trong toàn xã). Trong đó có vợ chồng cụ Trần Văn Sơn và Dương Thị Kiền là hộ gia đình đặc biệt khó khăn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Tuy nhiên, hai vợ chồng cụ lại quyết định viết đơn xin rút ra khỏi hộ nghèo. Qua việc việc tự nguyện viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của hai cụ, Chính quyền xã Xuân Phổ cũng đã đến động viên, trân trọng, ghi nhận và xem đây là một điển hình cần được nhân rộng cho mọi người học tập, noi theo. Như một hiệu ứng tích cực ngay đầu tháng 10/2019, chính quyền địa phương cũng đã nhận được đơn đề nghị xin ra khỏi hộ nghèo của vợ chồng ông Nguyễn Trọng Việng (89 tuổi), bà Trần Thị Liếu (87 tuổi) đều trú tại thôn Thống Nhất.
Ngoài gia đình ông Sơn, chính quyền địa phương cũng đã nhận được đơn đề nghị xin ra khỏi hộ nghèo của vợ chồng ông Nguyễn Trọng Việng (89 tuổi), bà Trần Thị Liếu (87 tuổi) đều trú tại thôn Thống Nhất
Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ Trần Xuân Chương cho biết “Các cụ làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo năm 2019, trên thực tế đều có hoàn cảnh đang còn khó khăn. Nhưng theo các cụ trong thôn vẫn còn những gia đình đang cần được xã hội quan tâm hơn nữa nên các cụ tự nguyện làm đơn để dành suất hộ nghèo cho người khác. Để biểu dương nghĩa cữ cao đẹp này của các cụ, ngay sau khi nhận được lá đơn, chính quyền địa phương đã tới nhà để động viên và ghi nhận hành động đó”.
Từ những lá đơn tự nguyện xin rút khỏi hộ nghèo của cụ Sơn, cụ Việng, bà Liếu ở xã Xuân Phổ sẽ là những tấm gương làm thay đổi nhận thức, tư duy và là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, từ đó làm tốt công tác giảm nghèo bền vững tại các địa phương.
Hồng Quang – Thế Hùng/http://nghixuan.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn