Môi trường quân đội rèn cho ông Hóa bản lĩnh, nghị lực vượt khó
Năm 1990, sau khi xuất ngũ trở về quê, ông Trần Ngọc Hóa bắt tay vào trồng cây ăn quả. Ông tâm sự: “Ngày đầu canh tác trên mảnh đất khô cằn không hề dễ dàng, khó khăn thiếu thốn đủ bề, từ vốn, nhân công cho đến kỹ thuật, nên gần như các loại cây ăn quả đều cho năng suất thấp, chất lượng kém”.
Để chăm sóc kỹ thuật, đúng thời vụ, nâng cao được năng suất, ông Hóa đã chịu khó học tập kinh nghiệm của các hộ đi trước; thường xuyên đọc sách, báo và tài liệu về trồng, chăm sóc cây có múi; tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học do Hội Nông dân tổ chức để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, những năm sau đó vườn cam của ông sinh trưởng tốt và cho năng suất cao hơn.
Với bản chất cần cù, chịu khó, ông Hóa đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều địa phương để áp dụng vào vườn đồi nhà mình
"Tôi xác định phát triển vườn đồi theo hướng sản xuất hữu cơ, chăm bón bằng phân vi sinh, không sử dụng thuốc hóa học. Khi tán cây phát triển rộng, tiến hành cắt tỉa bớt cành tạo độ thoáng, chú trọng theo dõi từng giai đoạn sinh trưởng để hạn chế tối đa sâu bệnh” - ông Hóa chia sẻ.
Nhận thấy diện tích vườn đồi của gia đình có tiềm năng phát triển trồng cây ăn quả có múi, ông mạnh dạn đầu tư trồng 2,5 ha cam, với hơn 1.000 gốc. Nhờ được chăm sóc cẩn thận, đúng quy trình, vườn cam của ông Hóa cho năng suất cao, ổn định với chất lượng quả ngon, ngọt, được thị trường ưa chuộng.
Ông Hóa cho biết: “Sau nhiều năm trồng, chăm sóc, vườn cam của gia đình cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đến mùa thu hoạch, thương lái đến tận nhà thu mua. Mỗi năm thu hoạch hơn 30 tấn, với giá bán 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, vườn cam của gia đình tôi thu trên 500 triệu đồng”.
Nhờ được chăm bón đúng kỹ thuật nên vườn cam của ông Hóa cho năng suất và chất lượng quả tốt.
Ông Hóa quả quyết: “Thành công không đến với người lười biếng. Khi mới trồng, cây cỏ dại phát triển còn nhanh hơn cây ăn quả, phải thường xuyên phát dọn, diệt cỏ, công đoạn này vì không dùng thuốc diệt cỏ nên mất rất nhiều công sức. Khi cây khép tán, sâu bệnh nhiều cũng phải thường xuyên thăm nom để phòng trừ kịp thời”.
“Ông Hóa là một CCB dám nghĩ dám làm, có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ trồng cam khác trên địa bàn; luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào như xây dựng nông thôn mới, là một cựu chiến binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế vườn đồi", ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ khẳng định.
Theo Văn Chung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn